Có ba thái độ chính với sự khác biệt:

– Không chấp nhận sự khác biệt.

– Chấp nhận sự khác biệt.

– Dung hoà sự khác biệt.

1. Không chấp nhận sự khác biệt.

Điển hình “Không chấp nhận sự khác biệt” là Bắc Triều Tiên. Họ cố gắng tạo ra một sự đồng thuận tuyệt đối trong toàn xã hội, theo ý chí của lãnh tụ tối cao.

Sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động của một dân tộc có vai trò tích cực trong một số thời điểm khó khăn như chiến tranh vệ quốc hay khủng hoảng kinh tế: nó từng giúp Liên Xô chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ hai; nó cũng từng giúp VN giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; nó cũng giúp Hàn Quốc của nhà độc tài Park Chung Hee vượt qua thời kỳ khó khăn để trở thành cường quốc kinh tế như hôm nay…

2. Chấp nhận sự khác biệt

Điển hình “Chấp nhận sự khác biệt” là Hoa Kỳ. Họ chấp nhận mọi sự khác biệt, từ màu da, chủng tộc, tôn giáo, tư tưởng,…

Việc chấp nhận sự khác biệt đã mở ra một không gian sống tự do, trăm hoa đua nở, giúp nước Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Mặc dù nước Mỹ không đạt được sự đồng thuận của toàn xã hội về bất cứ vấn đề gì, các bang vẫn ở lại với nhau, trong khi nỗ lực của Liên Xô loại bỏ mọi sự khác biệt giữa các nước cộng hoà, vẫn không ngăn cản được Liên bang Xô Viết tan rã.

Đặc biệt, thái độ “chấp nhận mọi sự khác biệt” của nước Mỹ đã thu hút những tên tuổi hàng đầu thế giới, trong mọi lĩnh vực, đến với nước Mỹ. Thực tế, mỗi người trong số những thiên tài này đều là những nhân cách lớn, với cái tôi rất khác biệt; chắc chắn họ không thích bị tù túng trong một chuẩn mực cứng nhắc do ai đó sắp đặt.

3. Dung hoà sự khác biệt.

Điển hình “Dung hoà sự khác biệt” là Nhật Bản.

Người Nhật biết cách làm mềm đi sự khác biệt và dung hoà chúng trong một không gian mới, đủ chỗ cho tất cả.

Tôi rất thích cách người Nhật dung hoà các tôn giáo. Ở nhà, họ theo đạo Ông Bà. Ra đường hay tới công sở, họ theo đạo Shinto, thờ các vị anh hùng có công với đất nước. Trai gái Nhật ngày nay thích cử hành hôn lễ tại nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Khi chết, các đám tang của người Nhật thường tổ chức theo nghi thức Phật Giáo…

Ngay trong chữ viết, người Nhật cũng thể hiện sự dung hoà. Họ đồng thời sử dụng ba bộ chữ: Kanji gốc Hán, Hiragana-Katakana của Nhật Bản và Romaji gốc Latinh. Họ dùng chữ Kanji để viết các tài liệu quan trọng, dùng chữ Hiragana-Katakana cho các văn bản thông dụng và dùng chữ Romaji cho người nước ngoài. Đối chiếu với Việt Nam, sau khi bộ chữ quốc ngữ gốc Latinh được phổ biến, chúng ta chỉ dùng bộ chữ này và bỏ luôn chữ viết của tổ tiên, đã sử dụng qua nhiều thế kỷ, là Hán-Nôm.

Nhìn xã hội Nhật ngày nay, nhiều người liên tưởng tới sự dung hoà giữa hai mô hình từng bị coi là rất khác biệt: XHCN và TBCN.

Nhờ khả năng dung hoà sự khác biệt mà người Nhật du nhập được tất cả những thứ hay ho của cả nhân loại mà không phải vứt bỏ những di sản của tổ tiên. Họ vẫn giữ lại kịch Nô, múa Geisha,… nhưng ít người biết, trong đời sống âm nhạc của họ ngày nay có một phần rất quan trọng là… nhạc cổ điển của phương Tây.

Tuy nhiên, vì mọi sự khác biệt ở đây có xu hướng bị làm mờ đi, nên những “cái tôi” lớn nhất thế giới cũng ít đến Nhật (so với Mỹ).

—————–

Trong cuộc sống thường ngày, những người không chấp nhận sự khác biệt thường rất khổ. Thế gian chín người mười ý. Nếu cứ không đúng ý mình là bực bội thì sẽ phải bực bội suốt đời.

Với nhân gian nói chung, chấp nhận sự khác biệt là cách tốt nhất để ta có được sự thanh thản. Tuy nhiên, với những người thân, ta nên cố gắng dung hoà sự khác biệt. Mỗi người cần gọt bớt cái tôi góc cạnh của mình, bởi vì, những người sống chung một mái nhà, chẳng hạn như vợ chồng – cha con, nếu có quá nhiều điểm bất đồng, thì cũng không phải là điều dễ chịu.

— Hoàng Minh Châu. Ảnh http://The-Forget-Me-Not-Diary.tumblr.com