Có một giai thoại trong giới giang hồ ngày trước, khi mà những hình xăm không tràn lan và trở thành trào lưu như bây giờ. Khi ấy chỉ những người trong giới lao động lì lợm, hoặc tay anh chị có máu mặt mới có hình xăm trên người. Hình xăm thì muôn hình vạn trạng, ví dụ “Hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình, hận cả gia đình, hận luôn hàng xóm…”, hoặc vui vẻ thì xăm “Mẹ ơi, con đói” (lấy luôn cái lỗ rún làm chữ “O” 😀 ).
Nhưng có một quy tắc ngầm trong giới giang hồ: những hình xăm như đại bàng, phượng, rồng, hổ… chỉ dành riêng cho những đại ca hàng đầu. Còn những giang hồ cấp thấp, tuyệt không được đụng tới các hình xăm này, nếu không rất dễ bị “điếu thuốc lá” dụi vào khi áo được cởi ra. Tuy nhiên, dù giang hồ cỡ mấy, chỉ có một “chữ” là tuyệt nhiên không được xăm bừa. Và chữ này, chỉ có kẻ đứng đầu giới giang hồ, kẻ “thánh giáo chủ thiên thu vạn tải/nhất thống giang hồ” mới có quyền xăm.
Đó là chữ “NHẪN”.
Giai thoại này đúng sai thế nào, có lẽ không dám chắc 100%. Nhưng tôi vẫn tin giai thoại này có cái lý của nó.
“Nhẫn” đa số chúng ta thường chỉ biết một ý nghĩa, trong câu tục ngữ “Một sự nhịn, chín sự lành”. Thực tế, chữ “nhẫn” có tới 3 tầng ý nghĩa, bao gồm:
– Nhẫn nhục.
– Nhẫn nhịn.
và
– Nhẫn tâm.
Đó chính là ba tầng ý nghĩa của chữ nhẫn. Đạt 2 chữ nhẫn đầu tiên, là đã thành công rồi. Còn tầng thứ 3 của chữ nhẫn, đòi hỏi triệu người chỉ được một người thôi.
Theo chiết tự tiếng Hán, chữ “Nhẫn” bao gồm chữ “Tâm” (trái tim) bên dưới và “Đao” (cây đao) ở trên. Chính lối chiết tự này mang ý thâm trầm, khiến chữ Nhẫn mang hàm ý “sự mạnh mẽ, nguy hiểm giấu kín trong lòng”. Thường các “chữ nhẫn” viết theo lối thư pháp bán nhiều ở trên thị trường Việt Nam, không toát lên cái thâm trầm theo lối chiết tự Hán này.
Chữ “nhẫn” vì mang ý khủng khiếp đến vậy, nên kẻ nào xăm chữ “nhẫn” lên người là mang ý: tao là đại ca của tụi mày, tao là số 1. Trong quan niệm kẻ giang hồ, chữ này phải dành cho kẻ máu mặt nhất trong những kẻ máu mặt nhất. Tức kẻ đứng đầu thiên hạ. Từng có tin đồn Năm Cam sở hữu hình xăm chữ nhẫn, hay Tứ đại giang hồ Sài Gòn ngày xưa: Đại – Tỳ – Cái – Thế (Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Ngô Văn Thế) cũng có xăm chữ nhẫn. Bây giờ anh em cứ “thathu” thôi. Hehe.
Theo quan niệm của người xưa, cái uy dũng của bậc thánh nhân nằm ở chỗ điềm đạm đến cùng cực. Kẻ nào có được chữ “Nhẫn” trong phẩm cách của mình thì dễ làm nên đại nghiệp.
***
Trong “Hán Sở Tranh Hùng” bạn sẽ gặp cái đỉnh cao của “Nhẫn nhục” và “Nhẫn nhịn” nằm ở nhân vật Hàn Tín, thiên tài quân sự “nhẫn nhục” chấp nhận bò qua háng tên bán thịt, và “nhẫn nhịn” đợi thời, giấu tài, giấu tham vọng khi bị đè nén dưới trướng Hạng Vũ.
Còn chữ Nhẫn thứ 3 nằm ở Lưu Bang:
Một lần, Tây Sở Bá vương bắt được Lưu Thái Công – cha của Lưu Bang. Hạng Võ đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói:
“Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!”
Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử, ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút binh. Không ngờ họ Lưu này chẳng do dự mà đáp:
“Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha mình, thì nhớ phần ta một bát canh!”
Đấy là tầng thứ 3 của chữ “Nhẫn”: Nhẫn Tâm. Bởi vậy nên Lưu Bang mới là vua. Hạng Vũ, Hàn Tín không có. Bởi vậy Hạng Vũ, Hàn Tín chỉ là bậc kiêu hùng đại tướng bát ngát giữa đời. Còn hoàng đế phải là Lưu Bang, vì ông ta có cái nhẫn cuối cùng. Cho dù scandal và tai tiếng của ông ta thì một xe ô tô tải chở đi không hết.
—
Việt Nam lịch sử phong kiến có một vị vua tuy không bê tha như Lưu Bang, nhưng sở hữu cái “nhẫn tâm” tuyệt không có kém. Tôi đang nói về Đinh Bộ Lĩnh:
Đại Việt Sử ký toàn thư, ngoại kỷ, quyển V: Kỷ nhà Ngô – Hậu Ngô vương, chép lại:
“…Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư không chịu thần phục nhà Ngô lúc đó do hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng trị vì. Bộ Lĩnh sai Đinh Liễn vào Cổ Loa làm con tin. Đinh Liễn đến, hai vua Ngô trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn, đem theo đi đánh Hoa Lư. Hơn một tháng, quân Ngô không đánh nổi, hai vua Ngô bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn.
Bộ Lĩnh tức giận nói:
“Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?”
Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vua Ngô kinh sợ nói:
“Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì?”
Bèn không giết Liễn mà đem quân về…”
Đinh Bộ Lĩnh đạt đến cái nhẫn cuối cùng, và ông chính là người chấm dứt ly loạn 12 sứ quân.
Bởi vậy, mới có câu: “chính trị thì không có nhân đạo”. Nhân đạo chỉ là một vũ khí của chính trị, chứ không phải là lời hứa của chính trị.
Cái quan trọng để phân biệt vua tốt/vua xấu, chính là: khi lên được vị trí cửu ngũ chí tôn, thì người đó có lo cho dân và thương dân hay không thôi?
//
Vài chục năm sau, những gì diễn ra hôm nay, nhân vật chính hôm nay sẽ xứng đáng có hẳn những chương hấp dẫn trong lịch sử Việt Nam, với đầy đủ một chữ NHẪN. Còn công tích để lại cho đời? Hãy để hậu thế nước Việt nhìn vào, qua chính kinh tế và sự ổn định của Việt Nam … trong thời gian tới. Vì đó là trang sử.