I love free market. Ảnh sưu tầm: traderviet.com.

Trong lý luận của những chuyên gia kinh tế học Việt Nam, “thị trường tự do” được coi là “phương thuốc thần thánh” để giải quyết tất cả các vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt.

Vậy cuối cùng “thị trường tự do” mà họ nói đến là gì? “Thị trường tự do” được hiểu như là một mô hình kinh tế mà Nhà nước đóng vai trò tối thiểu, rút dần ảnh hưởng của nó ra khỏi việc điều tiết nền kinh tế. Ở mức độ cao hơn, Nhà nước hoàn toàn không tham gia vào điều hành nền kinh tế để nền kinh tế vận hành và tự điều tiết theo “quy luật” của nó [1].

Ý tưởng về “thị trường tự do” là một ý thức hệ xã hội/ hình thành từ thế kỷ XVIII ở châu Âu nhưng đã bị lãng quên. Cho đến giữa thế kỷ XX, nó được khơi dậy nhằm mục đích bảo hộ quyền lợi cho những đại tập đoàn kinh tế. Trong nội bộ một quốc gia, “thị trường tự do” là cơ sở lý luận để gạt bỏ khả năng kiểm soát của Nhà nước đối với nền kinh tế, để mặc những tập đoàn lớn “tự do” hoạt động. Trên bình diện quan hệ quốc tế, “thị trường tự do” là vũ khí để vô hiệu hóa khả năng kiểm soát thị trường của chính phủ những nước nhỏ và yếu, mở cửa cho sự xâm nhập của tập đoàn tư bản hùng mạnh đến từ các nước lớn [2].

“Thị trường tự do” đúng như định nghĩa trên là một nền kinh tế dựa trên “luật rừng”, nơi mà “mạnh được yếu thua” trở thành nguyên tắc thị trường duy nhất. Một mặt, nó mang lại hoặc là sự hỗn loạn, hoặc là sự cai trị tuyệt đối của một thiểu số những tập đoàn cực kỳ hùng mạnh và giàu có, cùng nhau chia sẻ lợi ích kinh tế chung. Mặt khác, nó đẩy người lao động, những người kinh doanh nhỏ lẻ, và đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng thách thức sự thống trị nền kinh tế của những đại tập đoàn lớn rơi vào khủng hoảng.

Ở Hoa Kỳ, hậu quả của việc theo đuổi chính sách hướng đến “thị trường tự do”, nới lỏng kiểm soát nền tài chính là cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 2008-2012, khiến Nhà nước những năm sau đó phải vội vàng ban hành hàng loạt chính sách mới để lấy lại quyền kiểm soát thị trường trên nhiều lĩnh vực.

Ở Việt Nam, qua điều tra của Pew, 95% người Việt Nam được hỏi có hay không ủng hộ “thị trường tự do” (Free market), chỉ 3% chống lại. Trong khi đó, số người chống lại “thị trường tự do” ở Mỹ chiếm 25%. Ở Trung Quốc, nước cũng từng trải qua sự tàn phá của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung Xã hội chủ nghĩa kiểu cũ như Việt Nam, có đến 18% số người được hỏi tỏ ra hoài nghi về cái gọi là “thị trường tự do”. [3]

Người Việt Nam thường gián tiếp nhắc đến nguyên lý của “thị trường tự do” thông qua cách nói mỹ miều: “Hãy để thị trường tự điều tiết”. Thế nào là “thị trường tự điều tiết”? Hầu hết mọi người sẽ trả lời: “Tự điều tiết theo quy luật cung – cầu”. Thế: “quy luật cung – cầu nào sẽ điều tiết và thiết lập chiến lược phát triển của toàn bộ nền kinh tế?” và “Quy luật cung – cầu nào của “thị trường tự do” sẽ điều tiết được chuyển giá, trốn thuế, đầu cơ tích trữ và lũng đoạn thị trường chứng khoán?”

Có thể thấy, nguyên nhân của tinh thần sùng bái “thị trường tự do” ở Việt Nam xuất phát từ nỗi chán ghét nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Nhà nước giai đoạn trước Đổi Mới. Vì mô hình kinh tế này đã hoàn toàn thất bại nên mọi người tìm kiếm câu trả lời và đặt niềm tin vào một mô hình mới. Và lần này, họ đặt niềm tin vào “thị trường tự do”.

Hậu quả là, “thị trường tự do” thiếu sự kiểm soát chặt chẽ và điều tiết mạnh mẽ của Nhà nước đã dẫn đến hàng loạt các vấn nạn môi trường như vụ xả thải Vedan, vụ gây ra ô nhiễm của Formosa, vụ trốn thuế của Coca Cola cùng các tập đoàn đa quốc gia khác.

Thêm vào đó, những tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trên nguyên tắc “mạnh được yếu thua” của “thị trường tự do” đang bóp chết những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, việc quản trị yếu kém và lãng phí của Nhà nước đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ này khiến cả nền kinh tế lâm vào trì trệ, thiếu hiệu quả.

Chẳng những thế, “thị trường tự do” cũng đang tạo điều kiện tuyệt vời cho những tập đoàn kinh tế và những ông chủ tư bản mới nổi ở Việt Nam tước đoạt đất đai của người dân, và “làm tiền” từ những hoạt động kinh doanh vô đạo đức.

Theo nghĩa này, “thị trường tự do” đang thực sự dần hình thành ở Việt Nam với những hình thái còn cực đoan, hoang dã hơn ở bất kỳ đất nước nào trên thế giới.

Như vậy, “thị trường tự do” thiếu kiểm soát cũng như “nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung” dưới sự lãnh đạo của Nhà nước đều là hai thảm họa nhãn tiền của cả nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế, qua bộ sưu tầm sách viết về “thị trường tự do” cùng “nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung”, Thư viện Nhân học mong muốn giới thiệu và đưa ra lời cảnh báo đối với quý độc giả cả nước.

Trong quyển sách mới đây: “Ảo tưởng về thị trường tự do – Sự trừng phạt và huyền thoại về trật tự tự nhiên”, xuất bản năm 2011 bởi Đại học Harvard, Harcourt có một góc nhìn rất công bằng về thế mạnh lẫn hạn chế của “thị trường tự do”. Tinh thần chung của quyển sách dĩ nhiên không phải là sự sùng bái hay gạt bỏ hoàn toàn “thị trường tự do”. Thay vì bàn về “thị trường tự do”, nhà nghiên cứu bàn về “thị trường công bằng”, mở ra các cơ hội. Thay vì bàn về “thương mại tự do”, họ chú tâm vào phát triển ý tưởng về “thương mại công bằng.” [4]

Một nền kinh tế thực thụ là một nền kinh tế trưởng thành, thoát ra khỏi những “bóng ma” của ý thức hệ, dò dẫm đi từng bước có tính toán cho phù hợp với từng giai đoạn, có sự can thiệp quản trị, điều tiết chặt chẽ của Nhà nước, và có chiến lược phát triển bền vững.

Và những điều ấy, không thể xuất phát từ sự mù quáng sùng bái “thị trường tự do”.


[1] Kenneth S. Friedman (2003) Myths of the Free Market (Huyền thoại về Thị trường Tự do), trang 2.
Bryan Gould (2013) Myths, Politicians and Money_ The Truth Behind the Free Market, trang
[2] Sharon Beder (2006) Free Market Missionaries; the Corporate Manipulation of Community Values, trang 1-12
[3] Free markets are more popular in Vietnam than in America (vox.com)
[4] Bernard E. Harcourt (2011) The Illusion of Free Markets Punishment and the Myth of Natural Order – Harvard University Press.


Tác giả: Nguyễn Phúc Anh
Nguồn: Radio Nhân học kỳ 9 (SoundCloud)