Quyển sách NGHIÊN CỨU TÍN NGƯỠNG HÙNG VƯƠNG Ở VIỆT NAM của Từ Phương Vũ là một bộ SỬ BIÊN NIÊN ĐẦY ĐỦ NHẤT HIỆN NAY về tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương của người Việt.
Theo Từ Phương Vũ, tín ngưỡng này khởi nguồn từ việc thờ cúng thần núi thế kỉ 15 của Làng Cả dưới chân ngọn núi nay là núi Hùng. Trong suốt thế kỷ 15 đến hết thế kỉ 18, tín ngưỡng này vẫn chỉ là MỘT TÍN NGƯỠNG địa phương, KHÔNG ĐƯỢC AI CHÚ Ý.
Đến thế kỉ 19, dưới áp lực của việc giải thích lại lịch sử, triều NGUYỄN bắt đầu xây dựng hình ảnh HÙNG VƯƠNG như NHỮNG ÔNG VUA đầu tiên của người Việt, nhằm mục đích chứng minh rằng các triều đại Việt Nam, cũng hoành tráng và không kém cạnh gì với người Trung Quốc. Thế là đẻ ra câu chuyện 18 đời Hùng Vương cùng lịch sử Việt Nam với 4000-5000 năm lịch sử.
Cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, người Việt Nam đánh lại thực dân Pháp, hình ảnh Hùng Vương được gắn liền với hình ảnh DÒNG MÁU, CHỦNG TỘC để trở thành THỦY TỔ, TỔ TIÊN của người Việt. Những người đầu tiên nói về HÙNG VƯƠNG như là THỦY TỔ CỦA NGƯỜI VIỆT là những chí sĩ chống Pháp cuối thế kỉ 19 như Nguyễn Quang Bích, Ngô Quang Đoan, Dương Bá Trạc, Dương Tự Nhu. Đông Kinh Nghĩa thục và Việt Nam Quang Phục Hội tham gia tích cực vào quá trình này. Từ lúc này những câu chuyện về Tổ tiên Lạc Hồng, Dòng máu Lạc Hồng, Hậu duệ Lạc Long, con cháu Lạc Hồng, giống Rồng Tiên mới bắt đầu xuất hiện và phổ biến.
Dưới triều vua Khải Định và ảnh hưởng của người Pháp, huyền thoại Hùng vương nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ triều đình Nguyễn và người Pháp để thuyết minh cho một nguồn gốc của một Việt Nam khác Trung Quốc. Những phát ngôn về nòi giống Việt, nòi giống Rồng Tiên, dân ta nòi giống thông minh, nhân dân đồng bào,… xuất hiện dày đặc trong những phát ngôn của những nhà Nho và vua chúa trong khoảng 20 năm đầu thế kỉ XX.
Dưới triều Khải Định, năm 1917, triều Nguyễn đã hỗ trợ cho những hoạt động kỉ niệm ngày giỗ Hùng vương ở tỉnh Phú Thọ. Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc xin tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 03 vì ngày 11 tháng 03 là lễ hội thần thổ địa của địa phương (=> ngay sau đó lễ hội này cũng được “biến tướng” thành ngày giỗ Hùng vương thứ 18). Tổ chức vào ngày này sẽ thu hút được nhiều người tham quan là những người tham dự lễ hội địa phương. Thế là từ đấy ngày 10 tháng 03 âm lịch thành ngày giỗ tổ. Các nghi lễ tế tự Hùng vương cũng bắt đầu được quy định vào thời gian này.
Sách có những ghi chép rất thú vị về việc thờ cúng Hùng vương kèm những nghi lễ sáng tạo trong việc thờ cúng Hùng Vương thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là quyển sách đầu tiên đề cập đến tín ngưỡng Hùng Vương như là một yếu tố góp phần duy trì quyền lực xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại, duy trì niềm tin vào Hùng Vương có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo hiệu quả của việc quản trị xã hội.
Cuốn sách còn ghi nhận một điều khá trùng hợp là thời kỳ này ở Trung Quốc người ta cũng định xây dựng hình ảnh Hoàng Đế là thủy tổ của người Trung Quốc, nhưng sau giới trí thức phản đối quá, chính quyền Trung Quốc bỏ luôn. Câu hỏi là liệu Việt Nam có muốn bỏ không?
Tên sách: Nghiên cứu tín ngưỡng Hùng Vương ở Việt Nam
越南雄王信仰研究
Tác giả: Xu Fangyu 徐方宇
Nhà xuất bản: Trung Quốc xuất bản tập đoàn
Năm xuất bản: 2014 (Tiếng Trung)