Hồ Quý Ly là một thiên tài, chứ không nên nhìn mãi trong lăng kính khắt khe như một nhà vua thất bại. Nhưng cái tài của ông đã không gặp thời, đã để sai thời điểm.
Từ thành phố Thanh Hóa, đi theo quốc lộ 45, chúng ta sẽ đi vào huyện Vĩnh Lộc. Nơi ấy, có một di tích lịch sử vẫn còn để lại cho đến hôm nay: đời sau gọi là “Thành nhà Hồ”. Nhưng, nếu ai có chút hiểu biết về lịch sử và kiến trúc của một tòa thành thời xưa, thì những gì còn sót lại hôm nay không thể gọi là “Thành nhà Hồ”, mà chỉ có thể gọi là “Cổng tường thành nhà Hồ”.
Phải, đây chỉ là cổng Nam đi vào thành nhà Hồ mà thôi. Nơi mà thiên tài khoa học Hồ Nguyên Trừng đã xây dựng nên trong vòng 3 tháng. Còn thành nhà Hồ ở đâu? Đấy chính là cánh đồng hoang vu, đầy cỏ dại và những con trâu đang gặm cỏ ở phía trong.
Hơn 600 năm trước, những bãi cỏ ấy mới chính là thành nhà Hồ, với Tử Cấm Thành nằm ngay chính giữa. Đấy là nơi hoàng đế nước Đại Ngu tên là Hồ Quý Ly thượng triều.
Câu hỏi đặt ra: vì sao nơi này chỉ còn là phế tích cô liêu đến như vậy? Tử Cấm Thành nơi nào? Cung điện nơi nào? Và các tòa lầu nơi hoàng hậu, cung nữ ở, đã đi đâu rồi? Xin trả lời: ngày giặc Minh tràn vào nước ta, vua tôi Đại Ngu thất bại, nên giặc Minh đã đập phá hết nơi này.
Khách thập phương đến thăm hôm nay chỉ còn thấy 2 con rồng đá trên bậc thang tàn tích, tượng trưng cho một thời đã có một vị hoàng đế ngồi ở đấy, còn lại tất cả mọi thứ đã mất.
Cô liêu như chính vị hoàng đế ấy trong lịch sử Việt Nam, một người đi giữa sự phủ nhận của hậu thế, một người chứa quá nhiều những cải cách vượt tầm thời đại, cùng một lịch sử là bài học của tiền nhân rõ rệt trên từng khung hình cuộc đời. Tên của vị hoàng đế ấy là Hồ Quý Ly.
Tháng 2 năm 1400, một vị quyền thần có tên là Lê Quý Ly đã bức vị vua cuối cùng của thời đại Đông A anh hùng xuống khỏi ngai vàng: vua Trần Thiếu Đế.
Ngài tự mình lên làm vua, đổi sang họ Hồ, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, nhà Hồ chính thức thay nhà Trần. Và vị hoàng đế Hồ Quý Ly, với khát vọng “xốc” lại một đất nước Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng giai đoạn cuối triều Trần, đã tiến hành những cải cách mang tính triệt để nhất.
Như đã biết, triều Trần là một triều đại anh hùng với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, nhưng cũng là một triều đại nhiều tai tiếng nhất lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn như với việc kết hôn cận huyết, thì đây là triều đại có những mối tình loạn luân lớn nhất lịch sử.
Còn chính sách phân chia ruộng đất cho các quý tộc Trần, sở hữu các quyền lợi địa chủ, với việc sống trong những thái ấp riêng, đó lại chính là một “con dao hai lưỡi”.
Trong thời chiến, việc bảo vệ quyền lợi bản thân trước sự xâm lăng của ngoại bang, cũng giúp tạo nên tinh thần bảo vệ đất nước. Tuy vậy, trong thời bình, đó chính là nguyên nhân của thói xa hoa, tham nhũng và hút máu nhân dân.
Hồ Quý Ly khi lên ngôi đã nhìn thấy điều đó và để chia nhỏ thế lực của giới quý tộc, đưa ruộng đất trở lại với người dân để kích thích sự phát triển kinh tế. Hồ Quý Ly ban hành chính sách “hạn điền” (giảm số ruộng).
Ông cho làm lại sổ ruộng đất, sung công hàng loạt ruộng đất vô chủ, vô thừa nhận hay quá hạn. Điều này giúp giảm số ruộng tư, hạn chế thế lực và đất đai của các địa chủ lớn.
Đi cùng với “hạn điền” chính là “hạn nô” (giảm số nô lệ), đấy là việc ban hành chính sách mới khi đưa hàng loạt nô lệ của những quý tộc nhà Trần đi ra cuộc sống, giảm mạnh số nô lệ ở các thái ấp của những quý tộc nhà Trần và tránh việc sung vào trong nội bộ các địa chủ địa phương thêm những nô lệ mới.
Ngoài ra đó là việc đào tạo nhân tài rộng khắp, không kể xuất xứ, khác với triều Trần chỉ ưu tiên cho con cháu quý tộc.
“Hạn điền” và “Hạn nô” đã giúp cho nhà nước có thêm ruộng đất công và các nhân lực tự do, tạo nền tảng kinh tế, xã hội mới, qua đó đánh sập những tàn dư hủ bại của triều đại cũ.
Tuy nhiên, đây chính là nguyên nhân trực tiếp cho việc họ Hồ khi lên ngôi mất đi sự ủng hộ của các tầng lớp quý tộc và thế tộc có tiếng nói trong lòng nhân dân, khiến cho Hồ Quý Ly không nhận được sự ủng hộ của người dân trong cuộc chiến với quân Minh. Đội quân đã tràn vào Đại Việt với sự dẫn đường của một người phía nhà Trần: Trần Thiêm Bình.
Hồ Quý Ly còn tiến hành các cải cách vượt tầm thời đại khác, đặc biệt là ở giáo dục và y tế. Trong cái thời mà trí thức đất nước được thể hiện qua việc đưa ra những câu đối và “anh đã đối, mời chú đối lại” – sinh ra một nền kinh tế nông nghiệp với những nhà Nho sống mọt sách, thiếu thực tiễn, thì Hồ Quý Ly đã đưa toán học vào trong thi cử.
Sự xuất hiện của toán học trong giáo dục Việt Nam thế kỷ 15, chính đã giúp phát hiện ra những nhân tài ở mảng khoa học kỹ thuật như kiến trúc sư Nguyễn An (người sau này là một trong những kiến trúc sư trưởng xây Tử Cấm Thành Bắc Kinh), hay ở chính người con trai cả của ông: Hồ Nguyên Trừng, một thiên tài toàn năng của lịch sử dân tộc Việt.
Hồ Nguyên Trừng khi không chỉ là nhà thơ, nhà văn, kiến trúc sư, nhà bác học đã sáng tạo nên thuyền cổ lâu (thuyền chiến 2 tầng) và súng thần công, mà còn là nhà chính trị lỗi lạc với câu nói nổi tiếng “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Cải cách y tế, Hồ Quý Ly lập ra các y tì để coi sóc việc thuốc thang (một dạng bệnh viện như ngày nay). Đặc biệt, đã đưa tiền giấy vào sử dụng sớm trước 500 năm. Hôm nay nhìn về, những cải cách của Hồ Quý Ly, thật sự là chấn động.
Những cải cách có tính sâu rộng của Hồ Quý Ly đã lật ngược lại cả một xã hội phong kiến, khiến cho “nợ máu” của Hồ Quý Ly không đơn thuần chỉ là 370 mạng người trong cuộc binh biến thất bại của thượng tướng quân Trần Khát Chân. Mà đấy là một mâu thuẫn có tính xã hội, thời đại. Chúng âm ỉ, có tính phá hoại, để rồi sinh ra một tầng lớp chính những người Việt đã để cái ích kỷ cá nhân đặt cao hơn sự tồn vong của dân tộc.
Đất nước rơi vào tay nhà Minh không chỉ lỗi ở Hồ Quý Ly như sử sách đã nói sau này mà còn do những quý tộc Trần thời mạt vận. Phải mãi cho đến đời sau, nhìn lại Hồ Quý Ly cùng các cải cách của ông, khi đối chiếu với xã hội hiện đại, ta mới có thể nhìn ra được cái tầm vóc vĩ đại của ông.
Còn trong lăng kính của thời phong kiến, ông chỉ là tội đồ. Nhà Hồ không có lòng dân không phải vì nhà Hồ không nghĩ cho dân mà vì dân không hiểu những cải tổ của nhà Hồ. Đấy cũng là cái bi kịch của Hồ Quý Ly trong mộng ảo và sự vội vã cải cách.
Ông là một vị vua cải cách không gặp thời, một người đã đi sớm 400 năm, mà nếu như những cải cách này xuất hiện vào thế kỷ 18, thì Việt Nam đã có thể xuất hiện một Minh Trị Nhật Bản ở Đông Nam Á. Hồ Quý Ly sinh trước 400 năm, còn Minh Mạng sinh muộn 400 năm. Họ không thể đổi vai cho nhau. Có thể nói, lịch sử Việt Nam đã có một chữ “Nếu” đau lòng.
Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly thất bại trong việc chống trả lại cuộc xâm lăng của nhà Minh. Nhà Hồ diệt vong sau 7 năm trị vì ngắn ngủi. Đất nước bước vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư.
Cũng trong năm 1407 đó, Hồ Quý Ly mất ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Nơi đất khách quê người, ngài mang theo một bi kịch và sự thống hận đi xuống cửu tuyền. Hồ Quý Ly là một thiên tài, chứ không nên nhìn mãi trong lăng kính khắt khe như một nhà vua thất bại. Nhưng cái tài của ông đã không gặp thời, đã để sai thời điểm.
Hậu thế nhìn lại những điều mà bậc tiền nhân vĩ đại mà không gặp thời kia thực hiện, để lấy chính bài học cho chính hôm nay. Một mục tiêu tốt, cần thực hiện với một lộ trình đầy đủ, tuần tự và không gấp rút, vì điều này có thể gây xáo động xã hội.
Những tiền nhân lạc thời
- Bài 1: Hồ Quý Ly, vị Hoàng đế sinh lầm thế kỷ
- Bài 2: Minh Mạng, bậc minh quân lỡ làng
- Bài 3: Nguyễn Trường Tộ: “Một kiếp sa chân muôn kiếp hận”
- Bài 4: Trần Khánh Dư, chủ nghĩa tự do cá nhân
- Bài cuối: Đặng Huy Trứ: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn”
— Dũng Phan. Nguồn An Ninh Thế Giới Cuối Tháng.