Francoise Hardy

Với đôi mắt xanh xám trầm lặng và tiếng hát ngọt ngào như thanh sô-cô-la, Francoise Hardy là một trong những giọng ca nữ hiếm hoi của thập niên 60 vẫn còn giữ được vẻ duyên dáng và niềm đam mê ca hát bền bỉ qua thời gian.

Gilles Verlant – tác giả cuốn Francoise Hardy, cuộc sống nội tâm của tôi đã viết rằng: “Tại sao lại soạn một cuốn sách về Francoise Hardy? – Vì chúng tôi yêu cô ấy. Vì tất cả những gì cô thể hiện. Vì vẻ đẹp, vì giọng hát. Vì cô là một tác giả lớn chưa được đánh giá đúng. Vì cô là nàng Francoise Hardy duy nhất trong lịch sử âm nhạc Pháp.
Chúng tôi yêu cô bởi cô luôn luôn khác biệt, ngây thơ, bản năng. Cô độc lập, mong manh và ngẫu hứng. Bởi sự thẳng thắn và những bí mật của cuộc đời cô. Ngay cả khi Francoise cởi mở tâm tình, không bao giờ ta cho rằng cô là người khiếm nhã.

Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, Francoise đã thể hiện nỗi đau khổ bằng chất êm ái đặc trưng của giọng hát và giai điệu. Người ta cảm nhận ở cô một nỗi buồn dịu dàng xa xăm. Những bản ballad trên nền guitar réo rắt luôn gợi về nỗi day dứt khôn nguôi. Tình yêu không phải lúc nào cũng mỉm cười, chính vì thế âm nhạc của cô hướng về nỗi buồn và sự hoài nghi.

Sang thập niên 70, Francoise thực sự khẳng định được tên tuổi và phong cách của mình với Bức thư tình (Le message personnel) đầy tinh tế mà nhạc sĩ Michel Berger soạn cho riêng cô.

Với riêng tôi, Le Message Personnel – trong vô số ca khúc với đủ thể loại nhạc, cuối cùng lại là bài hát đã được play không biết bao nhiêu lần trong suốt dịp hè. Lâu lâu, quên bẵng mất tự lúc nào. Bỗng nhiên hôm nay “lẩn thẩn” nằm nghiêng nghe lại, thấy nhạc điệu, ca từ vẫn da diết và quyến rũ mình như ngày hè nào.

Những ngày gió. Mùa đông Hà Nội chỉ thi thoảng mới ló ra một chút nắng vàng, chỉ càng cảm nhận thấm thía hơn cái lạnh lẽo tê người. Có ai đó nằm cuộn tròn trong chăn, và nghe bài hát này, như mình không nhỉ? Ngoài kia đêm và gió lạnh…

Một bài hát hay đúng là một Bức thư tình. Là những điều trăn trở, mâu thuẫn trong nội tâm một cô gái đang yêu. Sự đấu tranh giữa có thể và không thể; giữa ước muốn chạy đến bên người yêu, hay là ở lại, ngồi yên mặc cho mọi chuyện trôi đi; giữa im lặng hay nói ra điều thầm kín trong lòng.

Chẳng cần phải nói quá nhiều, bởi lời bài hát đã mang tất cả những tâm trạng, cảm xúc, dằn vặt ấy.

Ở đầu dây bên kia điện thoại là tiếng của anh
Và có những từ mà em không nói được
Tất cả những từ ấy đều đáng sợ khi chúng không gây cười
Chúng xuất hiện nhiều trong phim ảnh, trong bài hát, trong sách vở
Em sẽ không nói đâu.

Hãy chạy, chạy hụt hơi, tìm em, anh nhé…

Em muốn, em không muốn
Chỉ mình em vượt qua và biết nơi nào anh ở
Em đang đến đó. Hãy đợi nhé anh. Rồi sẽ tới ngày mình hiểu nhau
Hãy chuẩn bị thời gian – thứ em lúc nào cũng để dành cho anh.

Em muốn đến, nhưng rồi đành ở lại.
Ôi, em ghét bản thân mình quá.
Em sẽ không đến đâu.
Em muốn, nhưng không thể.

Em phải nói với anh
Em phải đến bên anh
Hoặc là cần đi ngủ

Em sợ anh không nghe thấy
Em sợ anh quên
Sợ anh không cẩn trọng

Em không thể nói với anh rằng có thể em đang yêu anh đấy.

Nhưng nếu một ngày anh yêu em
Đừng nghĩ rằng kí ức của anh làm em giận dỗi
Hãy chạy, chạy hụt hơi tìm em anh nhé

Nếu anh nghĩ một ngày anh yêu em
Và nếu ngày đó anh còn đau khổ
Hãy tìm nơi mọi con đường đều đưa anh đến bên em

Nếu nỗi buồn chán tràn ngập lòng anh
Nếu sự lười biếng dịch vào trong anh
Hãy nghĩ đến em
Nghĩ về em, anh nhé.

Nếu một ngày anh nghĩ yêu em
Thì đừng coi đó là vấn đề nghiêm trọng
Hãy chạy, chạy hụt hơi tìm em anh nhé

Nếu anh tin rồi anh yêu em
Đừng chờ đợi một ngày, một tuần
Vì anh không biết cuộc sống sẽ dắt anh đến đâu
Hãy đi tìm em, anh nhé.

Nếu nỗi buồn chán tràn ngập lòng anh
Nếu sự lười biếng dịch vào trong anhh
Hãy nghĩ đến em
Nghĩ về em, anh nhé…

Nghe Bức thư tình, càng hiểu tại sao Francoise lại luôn có thói quen lựa chọn bài hát một cách “khó tính”, bởi có lẽ chỉ những ca khúc như thế mới có thể bày tỏ được những cảm xúc của một tâm hồn sâu thẳm giấu sau đôi mắt buồn, mới có thể chạm tới những rung động sâu xa của những người con gái đang trăn trở yêu thương – như tôi, như bạn!

— Lan Từ Viên (Nguồn tuanvietnam.net)