NHỮNG MẤT MÁT ĐANG ĐI VÀO LỊCH SỬ — VINASHIN VÀ BILL HAYTON
Những gì xảy ra trước mắt chúng ta rất đáng được ghi lại và đào sâu nghiên cứu. Nhà nghiên cứu thông qua việc ghi chép và lí giải của mình, định hình “lịch sử” và cách những người sau này hình dung về lịch sử.
Cảm giác của tôi khi đọc quyển sách của Bill Hayton là ông cố gắng xoá nhòa ranh giới công việc của nhà nghiên cứu và một phóng viên điều tra. Những gì ông viết, mới mẻ như vừa mới xảy ra hôm qua, và được viết bằng độ sâu cần thiết của một công trình nghiên cứu.
Ví dụ như câu chuyện về Vinashin hiện ra dưới ngòi bút của Bill Hayton hiện ra hết sức sống động, tôi xin được tóm tắt qua như sau:
– VinaShin tìm cách để có được hợp đồng có được hợp đồng đóng 15 tàu chở hàng cho hãng Graig, một công ty của Anh Quốc, với tổng giá trị hợp đồng 322 triệu đô.
– Chưa có tiền lệ một công ty Việt Nam nào được nhận hợp đồng kiểu này vì năng lực đóng tàu cùng cơ sở vật chất yếu kém. Hãng Graig ra điều kiện, chính phủ Việt Nam phải bảo lãnh hợp đồng
– Các ngân hàng nhà nước và tư nhân Việt Nam không đồng ý hỗ trợ VinaShin bảo lãnh hợp đồng
– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh cho các ngân hàng bảo lãnh.
– Năm 2004, VinaShin thắng hợp đồng.
– Năm 2006, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 750 triệu USD. Số tiền này thay vì được sử dụng để xây đường xá và trường Đại học, đã được đầu tư cho VinaShin đóng tàu.
– Tàu Florence — con tàu lớn nhất Việt Nam được đóng thành công và bị thủng ngay ngày hạ thuỷ. Sự cố sau đó được khắc phục.
– Do nhà nước trợ giá, giá tàu do VinaShin đóng rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Hãng Graig bỏ qua sự cố Florence quyết định đặt thêm 29 tàu Diamond 53s và 10 tàu Diamond 34s. Giá trị hợp đồng trị giá 1 tỉ USD.
– Năm 2008, trong chuyến đi thăm Đức của Thủ tướng, Việt Nam vay 2 tỉ USD từ ngân hàng Deutsche Bank, số tiền này cũng được chuyển cho Vinashin.
– Ngân hàng Thuỵ Sĩ Credit Suisse thời gian này cũng cho VinaShin vay hơn 1 tỉ USD.
– Toàn bộ số tiền vay nợ đến thời điểm này là 4 tỉ USD được sử dụng để “trợ giá” cho VinaShin đóng tàu.
– Giáo sư, nhà kinh tế học David Dapice của Đại học Harvard thốt lên: làm thế quái nào người Việt Nam có thể có lợi nhuận từ các “hợp đồng” kì cục như thế này. Ông này tính toán và khẳng định, Việt Nam lỗ 150 triệu USD cho riêng 15 con tàu đầu tiên đóng cho Graig.
– Chỉ riêng năm 2007, VinaShin lập 154 công ty con đầu tư vào các lãnh vực như nước giải khát và nhà nghỉ khách sạn.
– 2008 trước những thua lỗ khủng khiếp của các tập đoàn nhà nước, chính phủ bắt đầu chính sách kiểm soát và khắc phục thua lỗ nhưng đã muộn
Mô hình các tập đoàn nhà nước con cưng như VinaShin học theo mô hình Chaebols của Hàn Quốc. Nhưng ngay cả ở Hàn Quốc, phần lớn doanh nghiệp theo mô hình này đã thất bại ngoại trừ Hyundai và Samsung.
Chính sách kinh tế dựa trên ngộ nhận về “sự thành công vang dội của Chaebols” và duy ý chí đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Lịch sử có thể đem đến những bài học hữu ích cho tương lai. Nếu như người Việt Nam thực sự cầu thị, chúng ta nên đọc và dịch quyển sách của Bill Hayton sang tiếng Việt.
— Sách Vietnam: Rising Dragon – Bill Hayton. Điểm sách: Nguyen Phuc Anh. Nguồn: medium.com.