Education Reform

Giáo dục CHƯA bao giờ và sẽ KHÔNG bao giờ thực sự “ổn” trong nhiều xã hội, cổ đại cũng như hiện đại.

Nếu đọc lịch sử Hàn Quốc và Trung Quốc, người ta nhận thấy trong xã hội luôn tồn tại một cảm giác bất an đối với thực hành giáo dục.

Giới trí thức từ cổ đại đến hiện đại, luôn cảm thấy giáo dục đương thời thật khủng khiếp, là căn nguyên của những dấu hiệu mà họ cho là sự “suy đồi” của vương triều. Vì thế họ liên tục kêu gọi “thay đổi“, “cải cách” việc dạy và học như một giải pháp cứu vãn thời cuộc và đem đến lối thoát cho chính trị đương thời.

Con đường cải cách của họ tập trung vào vãn hồi những giá trị tốt đẹp xưa cũ, hoặc tìm kiếm những cứu tinh, hình mẫu phương Tây như một giải pháp cho cuộc sống “bế tắc” hiện tại.

Ở Việt Nam, những gì có thể thấy trong suốt chiều dài lịch sử là những bất mãn tương tự với “hệ thống giáo dục”. Giới trí thức và chính quyền trong lịch sử chưa bao giờ thực sự “vừa lòng” với thực hành giáo dục.

Thời Trần, đó là phản ứng của Trương Hán Siêu với giáo dục Phật Giáo. Dưới triều nhà Hồ, nhà Lê, nhà Nguyễn, hầu hết trí thức từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dư, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn đến Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu và Tú Xương tất thảy đều có một cảm giác âu lo, bất mãn với thực hành giáo dục lúc bấy giờ.

Đầu thế kỷ 20, thì quá hiển nhiên. Ai ai cũng nhìn vào giáo dục bằng một con mắt hồ nghi. Chưa bao giờ xã hội lại sục sôi hăm hở với việc xoay ngang, bẻ ngửa, cải lên cải xuống giáo dục đến như vậy.

Dưới thời xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc hay tư bản chủ nghĩa ở miền Nam, giáo dục cũng không ngừng bị đưa lên đặt xuống. Dù công khai hay bán công khai thì những tiếng nói hồ nghi, lo âu, phê phán của giới trí thức và chính trị gia chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Có thể kết luận rằng trí thức Việt Nam trong lịch sử, chưa bao giờ thực sự hết lo lắng về sự “bất ổn” của giáo dục. Họ cho rằng mọi bát nháo, hỗn loạn, trái ngược với luân thường đạo lý, và gần đây nhất, việc “chậm phát triển”, hay ngay cả hiện tượng “cướp, giết, hiếp” trong xã hội Việt Nam đều là từ giáo dục mà ra. Họ thúc giục phải chấn chỉnh, phải thay đổi, và phải cải cách. Nhưng thực sự trong hàng ngàn năm lịch sử, kết quả của những cải cách vĩ mô này đến đâu thì không ai thực sự rõ.

Nhu cầu “cải cách” và liên tục “cải cách” dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống đương đại của người Việt Nam. Có thể tóm gọn những “nguyên tắc” cải cách giáo dục những năm gần đây một cách ngắn gọn như sau:

1. Không quan tâm kết quả tốt xấu.
2. Giáo dục Việt Nam giờ không thể tệ hơn rồi.
3. Vì thế cứ phải thay đổi đã rồi tính tiếp.
4. Mọi người có thể nghi ngờ giáo dục, nhưng không được nghi ngờ sự cần thiết của cải cách giáo dục.

Tuy nhiên, người Việt Nam đương đại không phải là quốc dân duy nhất mang nặng ưu tư như thế. Thực tế, giáo dục đương đại ở hầu hết các nước trên thế giới: từ Bắc Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu, Tây Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đến Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, các nước châu Phi, châu Mỹ Latin trong mắt giới trí thức và chính quyền bản địa, đều “bất ổn“, “hỗn loạn“, “thiếu tính cạnh tranh“, “tiềm ẩn nguy cơ” và “cần cải cách triệt để“.

Vậy từ góc độ lịch sử, nhân học và tâm lý học xã hội, đâu mới là nguyên nhân của tâm cảm bất ổn này của giới trí thức Việt Nam và thế giới hàng ngàn năm qua đối với giáo dục? Và tâm lý, văn hóa “cải cách giáo dục” thực chất đang bị chi phối bởi những yếu tố tâm lý, lịch sử, xã hội, và chính trị nào?


Giải ảo cải cách giáo dục


Nguồn: FB Nguyễn Phúc Anh.
Âm thanh: Radio Nhân học Kỳ 5 (SoundCloud.com).