School Reform

Trong kỳ trước, chúng tôi bàn về cải cách giáo dục và chỉ ra: trong nhiều xã hội cổ cũng như hiện đại, giáo dục chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thực sự “ổn“. Kỳ này, chúng tôi sẽ đem đến cho quý độc giả những góc nhìn mới về chính trị của cải cách giáo dục (politics of education reform).

Trước hết cần phải thống nhất quan điểm rằng giáo dục luôn cần thay đổi cho phù hợp với đời sống con người tương ứng với từng giai đoạn, từng xã hội khác nhau. Việc thay đổi, điều chỉnh này là cần thiết, và phải làm liên tục. Nhưng làm như thế nào là chuyện sẽ còn phải bàn tiếp.

Ở đây chúng tôi muốn đặt câu hỏi: thế nào là “khủng hoảng giáo dục“? Những tiêu chí nào để nói một nền giáo dục đang “khủng hoảng”? Liệu có một cơn “khủng hoảng giáo dục” đủ sức làm suy thoái cả một thế hệ, trì trệ một quốc gia, hay làm cả một nền kinh tế sụp đổ như chúng ta thường lo sợ? Đâu mới thực sự là nguyên nhân của những cơn “khủng hoảng giáo dục” mà chúng ta nghe thấy hàng ngày?

Chúng tôi cho rằng “khủng hoảng giáo dục“, nếu có, thực sự chỉ xảy ra trên truyền thông và trong những dự án tuyên truyền “cải cách giáo dục“.

Ở Hoa Kỳ, từ thời của tổng thống Ronald Reagan cho đến tận bây giờ, dư luận liên tục bị hù họa bởi những cuộc “khủng hoảng giáo dục“. Ban đầu, người ta đổ tội “khủng hoảng giáo dục” là do chất lượng đào tạo của giáo dục công lập Hoa Kỳ. Hàng loạt chính sách được ban hành để hủy diệt nền giáo dục công, mở đường cho những tập đoàn giáo dục tư nhân thuận đường phát triển.

Trong khủng hoảng kinh tế 2008 – 2012, giáo dục Hoa Kỳ bị giới truyền thông đổ lỗi là nguyên nhân khiến cho nước Mỹ lâm vào tình trạng khó khăn. Dư luận được định hướng để tin rằng chính giáo dục cùng chất lượng đào tạo xuống cấp, đã khiến nền kinh tế Mỹ kém tính cạnh tranh và là nguyên nhân gây ra khủng hoảng chứ không phải do sai lầm trong chính sách kinh tế, nạn thao túng chính sách, và sự tham lam của những tập đoàn tài chính gây ra.

Rất khó để nhận ra tác động của giáo dục đối với chất lượng chính sách và phát triển kinh tế vì nó cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng. Song lại rất dễ để nhận thấy tác hại ghê gớm tức thì của chính sách sai lầm cùng khủng hoảng kinh tế đối với toàn xã hội nói chung và giáo dục quốc dân nói riêng.

Giáo dục, theo chúng tôi, là nạn nhân của chính sách cùng khủng hoảng kinh tế hơn là nguyên nhân và tội đồ của tất cả.

Ở Việt Nam, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông là những quan ngại về “chất lượng giáo dục xuống cấp” và những “lời kêu gọi cải cách giáo dục”. Xã hội đồng thuận tin tưởng rằng: cần có một cuộc cải cách giáo dục quy mô để đưa “đất nước hóa rồng“.

Cải lên cải xuống nhiều năm, các trường phái quan điểm cũng nhiều, nhưng chẳng ai trả lời chắc chắn cuối cùng để “hóa rồng” thì cần làm gì với giáo dục? Hay thậm chí đầu tư giáo dục có phải là yếu tố đầu tiên và then chốt nhất để “hóa rồng” kinh tế hay không?

Do không trả lời được những câu hỏi đó một cách thuyết phục, trong nhiều năm, xã hội chúng ta cứ luẩn quẩn mãi trong vòng xoay của “khủng hoảng” rồi “cải cách”, “cải cách” rồi lại “khủng hoảng“. Tâm trạng bất an về giáo dục đang nhấn chìm chúng ta trong những cơn tiêu xài tốn kém cho “cải cách giáo dục” không rõ đường hướng, bảo thủ về mặt triết lý, phương pháp quản lý giáo dục, và nặng về nâng cấp “cơ sở vật chất“.

Chúng tôi tự hỏi, cuối cùng tại sao truyền thông ở Việt Nam phải liên tục tưởng tượng ra “những cơn khủng hoảng giáo dục” và liên tục “kêu gọi cải cách“?

Trước nhất, giáo dục là con dê thí mạng cho những cuộc khủng hoảng chính sách và kinh tế thực sự. Mọi thất bại về chính sách và kinh tế đều có thể đổ lỗi do… chất lượng con người, và suy rộng ra là do… giáo dục. Thế nhưng, một nền kinh tế suy yếu, một xã hội thiếu kỷ cương thì nguyên nhân trực tiếp nhất là do giáo dục kém chất lượng hay do quản lý kinh tế và xã hội yếu kém?

Mỗi khi đất nước có những vụ bê bối chính trị, kinh tế, xã hội, những cuộc “khủng hoảng” và “cải cách” giáo dục luôn trở thành tâm điểm của truyền thông. Rõ ràng là, truy cứu trách nhiệm quản lý kinh tế – xã hội thì khó. Đổ hết lỗi do thiếu kinh nghiệm, học vấn và yếu kém trong đào tạo quốc dân thì dễ hơn.

Thứ hai, việc tạo ra “khủng hoảng giáo dục” luôn đi kèm với những dự án chi tiêu hoành tráng. Từ năm 2001 đến 2010, không thể tính được số tiền nhà nước đã đổ ra chỉ để thay đi đổi lại mấy quyển sách giáo khoa cho học sinh cả nước. Số tiền đấy chủ yếu là tiền vay vốn nước ngoài.

Vừa hết năm 2010, người ta lại rục rịch làm thêm một đợi “cải cách sách giáo khoa” khác. Vẫn ngần ấy con người làm sách. Nếu những gì họ đã làm không hiệu quả, không được xã hội chấp nhận thì tại sao vẫn tiếp tục giao họ làm? Liệu có phải một nhóm lợi ích thu lợi tiền tỉ từ “cải cách giáo dục” đang hình thành trong xã hội?

Thứ ba trong những phân tích của nhóm Marie Lall trong quyển sách “Giáo dục như là một công cụ chính trị ở châu Á” chỉ ra rằng giáo dục và hoạt động cải cách giáo dục thực ra không liên quan đến “nâng cao chất lượng đào tạo“, mà quan trọng nhất là để nhà nước tham gia vào việc tái định hình xã hội, tái định hình chủ nghĩa dân tộc, tái định hình “con người Việt Nam” mới cho phù hợp với chính sách của nhà nước qua các thời kỳ. Cải cách chất lượng đào tạo thực sự, không bao giờ xuất phát từ chính sách từ trên xuống như thế này.

Có lẽ đã đến lúc cần ngừng đổ lỗi tất cả cho giáo dục, ngừng tạo ra những đợt “khủng hoảng giáo dục” trên truyền thông, để nhìn nhận thẳng thắn vào những nguyên nhân trực tiếp nào đã gây ra những vấn đề xã hội để có những phương án thực tế và tiết kiệm nguồn lực tài chính.

Vậy cuối cùng, cải cách chất lượng đào tạo thực sự bắt nguồn từ đâu? Thực chất quan hệ giữa giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế là gì?


Giải ảo cải cách giáo dục


Nguồn: FB Nguyễn Phúc Anh.
Âm thanh: Radio Nhân học Kỳ 6 (SoundCloud.com).