Trong kỳ trước, chúng tôi đã bàn về nguyên nhân của khủng hoảng giáo dục và giải pháp quản trị xã hội thông qua cải cách giáo dục ở Việt Nam và trên thế giới. Kỳ này chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi: “cải cách” hay ““đổi mới giáo dục”” mới là quan trọng? Những “đổi mới” hay “cải cách” trong giáo dục nếu có, nên bắt đầu từ đâu?
Trong quyển sách phổ biến kiến thức về cải cách giáo dục “Hiểu về cải cách giáo dục”, Raymond A. Horn cho rằng: “Cải cách giáo dục” (Educational Reform) thì khác với “đổi mới giáo dục” (Educational Change).
Từ “cải cách” hàm ý rằng nền giáo dục trước đó là sai lầm và sau cải cách thì mọi chuyện ít nhất sẽ trở nên tốt hơn, hoặc tiến bộ hơn. Cải cách luôn là một cách tiếp cận vĩ mô, đồng loạt, mang tính sức ép từ trên xuống.
Còn “đổi mới” thì hàm ý những giải pháp được đưa ra sẽ đem đến sự khác biệt, thay thế, và biến đổi những cái cũ. “Đổi mới” thường tiếp cận điều chỉnh ở quy mô nhỏ, tốc độ chậm, dần dần, dựa trên tình hình thực tế, và hướng đến một giải pháp giáo dục “phù hợp hơn” cho một trường hợp cụ thể.
Việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nếu có, là thông qua những “đổi mới giáo dục” quy mô nhỏ, tốc độ chậm, tương thích với điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, trường lớp cụ thể, với nhóm giáo viên và nhóm sinh viên, học viên cụ thể. Giáo dục không phải là chuyện ngày một ngày hai. Vội vàng xô đổ tất cả những gì đang có để xây dựng những thứ hoàn toàn mới chỉ là sự lặp lại những sai lầm của việc “cải cách giáo dục” thiếu chính chắn, thiếu mục tiêu, và thiếu triết lý đem lại.
Nhìn lại những thay đổi trong nền giáo dục của Việt Nam gần đây, nếu có một yếu tố nào được coi là “khả quan“, “tiên tiến” và “tốt đẹp” thì đều bắt đầu từ những vận động đổi mới ở quy mô nhỏ, trong một cộng đồng, một ngôi trường cụ thể, một giáo viên cụ thể, hướng đến tìm kiếm giải pháp cho những trường hợp cụ thể. Còn những biến đổi lớn lao vĩ mô thì luôn gây ra những tranh cãi, và bất cập.
Cũng từ kinh nghiệm của Việt Nam và nhiều nước khác, “đổi mới giáo dục” tạo ra biến chuyển tích cực, hiệu quả trong giáo dục đôi khi thậm chí buộc phải đi ngược lại với nguyên lý của “cải cách giáo dục” được thiết lập bởi quyền lực chính trị xã hội.
Còn thế nào là “cải cách giáo dục”? Trên thế giới, khi nói đến “cải cách giáo dục”, người ta nói đến việc định hình xã hội, thiết lập mô hình con người mới, phù hợp với những nhu cầu chính trị của những người nắm trong tay quyền lực cải cách. “Cải cách giáo dục” theo góc nhìn này, là một vận động chính trị và là một phương thức để quản trị xã hội thông qua giáo dục, góp phần định hình những gì được học và dạy ở nhà trường.
“Cải cách giáo dục” là cách tiếp cận vĩ mô, mang tính áp đặt từ trên xuống của những người làm chính trị với giáo dục, nên nó không tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục. Bản thân “cải cách giáo dục” không thể nâng cao chất lượng đào tạo một cách trực tiếp. Vì đằng sau nó luôn là những lợi ích kinh tế, chính trị, chứ không phải lợi ích học vấn. Điều này có thể chứng minh dễ dàng từ thực tế cải cách giáo dục ở nhiều quốc gia mà quý độc giả có thể tìm đọc từ bộ sưu tầm sách về “cải cách giáo dục” của Thư viện Nhân học.
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng chừng nào chúng ta còn tồn tại trong một xã hội có hình thái nhà nước và có một nền giáo dục quốc dân thì “cải cách giáo dục” là một phần không bao giờ thiếu được trong cuộc sống. Đồng thời, nhà nước và quyền lực chính trị luôn là đối tượng sẽ nắm trong tay việc điều chỉnh vĩ mô nền giáo dục.
Có điều, chúng ta cần phải thẳng thắn, thành thực và thực dụng trong việc đánh giá chính xác vai trò của “cải cách giáo dục”. Việc này sẽ giúp chúng ta tránh lãng phí đầu tư ngân sách nhà nước và vay nợ cho những hình thức cải cách sẽ không đưa đến đâu như chúng ta đang làm hiện nay. Ví dụ như xây dựng những bộ sách giáo khoa bắt buộc chung, những quy chuẩn môn học chung cho học sinh cả nước, những yêu cầu, tiêu chuẩn để áp đặt cho toàn bộ hệ thống giáo dục, những chương trình quốc gia về trang bị cơ sở vật chất tốn kém, hay cả xu hướng quốc gia đẩy cả nền giáo dục đi theo những “tiêu chuẩn” và “hệ thống đánh giá” từ đâu rơi xuống.
Cải cách giáo dục thiết thực ở Việt Nam lúc này, đó là tập trung xây dựng một cơ chế quản lý giáo dục hỗ trợ tốt cho những “đổi mới giáo dục”. Hệ thống này tạo điều kiện cho những đổi mới giáo dục ở quy mô nhỏ dễ dàng nảy sinh, điều chỉnh được hoạt động giáo dục một cách thực chất, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của xã hội và thích ứng nhanh với những thay đổi này.
Đất nước chúng ta đã từng làm một cuộc “Đổi mới kinh tế” thành công, tại sao không giữ tinh thần ấy để làm một cuộc “Đổi mới giáo dục” với những điều chỉnh từng bước nhỏ, và cụ thể?
Giải ảo cải cách giáo dục
- Bài 1: Huyền thoại về sự “bất ổn” của giáo dục
- Bài 2: Ai gây ra khủng hoảng giáo dục và Ai được lợi từ cải cách giáo dục?
- Bài 3: “Cải cách giáo dục” hay “Đổi mới giáo dục”?
Nguồn: FB Nguyễn Phúc Anh.
Âm thanh: Radio Nhân học Kỳ 7 (SoundCloud.com)