Xây dựng một thói quen
Ai cũng có thể thay đổi được, chúng ta có thể lựa chọn được cách sống và con người chúng muốn trở thành. Thời gian thay đổi một con người có thể rất lâu, 5 năm, hay 10 năm chúng mới cảm nhận được sự thay đổi ấy, nhưng đừng bỏ cuộc, nhiều giọt nước mới làm nên biển cả.

Bạn muốn dậy sớm, bạn muốn tập thể thao, bạn muốn đọc sách, bạn muốn học tiếng Anh…hằng ngày như một thói quen. Bạn lập kế hoạch rồi thực hiện được khoảng 3 ngày, bạn để mốc kế hoạch đó cả năm.Năm sau bạn xây dựng lại một kế hoạch mới với những mục tiêu khắt khe hơn, quyết tâm ngùn ngụt rồi kéo dài được 1 tuần…Bạn có làm sai chỗ nào không nhỉ?

Bạn có biết làm sao để có được một thói quen không? Gieo hành động gặt thói quen. Vậy bạn phải hành động như thế nào để có một thói quen mới thay đổi cuộc sống của bạn?

Để có một thói quen tốt, bạn không cần phải hừng hực quyết tâm, không cần thiết phải là một chú ong miệt mài chăm chỉ. Bạn chỉ cần biết những điểm mấu chốt để xây dựng một thói quen, những bí quyết vượt rào khi sắp bỏ cuộc và biết quản lý hứng thú làm việc của mình mà thôi. Dưới đây là những bí kíp ấy bạn nhé.

⬛︎ Trước khi bạn lựa chọn xây dựng thói quen cho mình hãy nhớ 3 điều sau đây:

1/. Không nên ôm đồm. Mỗi thời điểm chỉ bắt đầu với MỘT thói quen mới.

2/. Xây dựng quy tắc thực hiện một cách ĐƠN GIẢN nhất có thể.Càng đơn giản càng dễ sửa và duy trì.

3/. KHÔNG quá coi trọng kết quả. Hãy biết hài lòng khi bạn đạt được 80% mục tiêu. Cầu toàn là nguyên nhân lớn dẫn tới bỏ cuộc.

⬛︎ Thói quen được chia ra làm 3 loại:

1/. Thói quen về hành động:

Dọn dẹp nhà cửa, viết nhật ký mỗi ngày, học tập, hay tiết kiệm tiền bạc… Những thói quen này mất khoảng 30 ngày để hình thành.

2/. Thói quen về cơ thể:

Tập thể thao, ăn kiêng, bỏ thuốc lá… Thời gian cần thiết để xây dựng là 3 tháng.

3/. Thói quen về suy nghĩ:

Suy nghĩ tích cực, suy nghĩ logic… Thời gian cần thiết để thay đổi là 6 tháng.

Mình chỉ tóm tắt phần xây dựng thói quen về hành động, hai thói quen còn lại bạn có thể triển khai tương tự.

⬛︎ Muốn xây dựng một thói quen về hành động (thời gian xây dựng 30 ngày), bạn cần trải qua 3 thời kỳ:

1/. Thời kỳ phản kháng.

Thời kỳ này kéo dài trong tuần đầu tiên từ khi bạn bắt đầu xây dựng thói quen. Chúng ta có xu hướng phản kháng với những điều mới lạ, những quyết tâm ban đầu nhanh chóng yếu đi . Có tới 42% trong chúng ta bỏ quộc trong thời kỳ này.

Nguyên tắc cho thời kỳ phản kháng:

Hãy nhớ mục tiêu của giai đoạn này là duy trì , duy trì và duy trì với 2 nguyên tắc vàng:

Nguyên tắc 1: Baby step: Hãy đặt ra mục tiêu thật dễ dàng, giảm chất lượng, số lượng và thời gian, mục tiêu duy nhất là duy trì hành động hàng ngày. Thay vì mục tiêu 60 phút , hãy đọc sách 5 phút mỗi ngày. Thay vì học 10 từ tiếng Anh, hãy học 1 từ mỗi ngày. Số lượng có thể tăng dần khi thói quen đã thành hình, nhưng bỏ cuộc sẽ là dấu chấm hết.

Nguyên tắc 2: Ghi chép lại hành động một cách đơn giản: Chỉ 1 dòng ghi lại thành quả của ngày hôm đó, ghi lại bất cứ đâu, sổ tay, máy điện thoại, máy tính… Điều đơn giản này sẽ giữ cho bạn hứng thú lâu dài.

2/. Thời kỳ bất ổn định.

Thời kỳ này kéo dài trong hai tuần tiếp theo thời kỳ phản kháng. Thời kỳ này chúng ta dừng xây dựng thói quen vì những việc gián đoạn ngoài dự tính. Chỉ vài lần thoả hiệp chúng ta sẽ bỏ cuộc trong thời kỳ này. 40% trong số người bỏ cuộc ngã ngựa tại thời kỳ này.

Vượt qua cho thời kỳ bất ổn định :

Mục tiêu của thời kỳ này là xây dựng nề nếp cho thói quen. Ở thời kỳ này chúng ta cần thực hiện 2 điều sau :

Điều 1: Đưa thói quen vào guồng quay mỗi ngày, ví dụ đọc sách từ 20h mỗi tối thứ hai tư sáu, nghe tin tiếng Anh 10 phút mỗi sáng …

Điều 2: Đưa ra những quy tắc cho những trường hợp bất khả kháng. Ví dụ ngày lễ cưới hỏi, ốm bệnh… bạn có thể giảm thời gian, số lượng đặt ra, hoặc chuyển cho ngày kế tiếp nếu thật sự là bất khả kháng.

3/. Thời kỳ chán nản.

Thời kỳ chán nản là tuần cuối cùng của một tháng xây dựng thói quen. Chúng ta bắt đầu quen với thói quen mới nhưng lại hết hứng thú, dần thấy chán nản và bỏ cuộc. 18% số người bỏ cuộc thất bại tại đây.

Về đích với thời kỳ chán nản

Bí kíp cho thời kỳ này là tạo ra thay đổi. 2 phương pháp hành động cho thời kỳ này:

Phương pháp 1: Tạo ra những thay đổi mới trong hành động, ví dụ thay vì chạy bộ , bạn kết hợp chạy bộ và nghe tin tức tiếng Anh. Dậy sớm 15 phút và đọc sách … Lưu ý là không thay đổi các nề nếp đã được xây dựng ở thời kỳ hai, ví dụ chuyển thời gian đọc sách từ tối sang sáng hôm sau….

Phương pháp 2: Xây dựng kế hoạch cho một thói quen mới. Việc xây dựng kế hoạch này sẽ tạo cảm hứng cho bạn tiếp tục duy trì thói quen hiện tại.

Khi bạn đã nắm được bạn đang ở thời kỳ nào, hãy dùng những bí kíp trên để vượt qua thời kỳ đó.

Ngoài ra còn những bí kíp nho nhỏ để duy trì, như tự thưởng cho mình sau khi vượt qua từng giai đoạn, tuyên bố với mọi người về thói quen bạn đang xây dựng, rủ ai đó làm cùng… những bí kíp này bạn sẽ tích luỹ dần qua thời gian và thất bại.

“Mùa xuân không gieo
Mùa hè không mọc
Mùa thu không gặt
Mùa đông đói meo”

G.Herbt

Ai cũng có thể thay đổi được, chúng ta có thể lựa chọn được cách sống và con người chúng muốn trở thành. Thời gian thay đổi một con người có thể rất lâu, 5 năm, hay 10 năm chúng mới cảm nhận được sự thay đổi ấy, nhưng đừng bỏ cuộc, nhiều giọt nước mới làm nên biển cả. Mình chúc bạn thành công!

— Nguồn herjournals.com.