Nếu con cái xin một lời khuyên “Nên chọn học ngành gì”, thì bạn sẽ trả lời như thế nào?

Hầu hết các phụ huynh, có mặt trong hội thảo hướng nghiệp mà tôi được tham dự, đều trả lời:

1. Nên khuyến khích học ngành cháu đam mê.

2. Nên khuyến khích học ngành cháu có năng khiếu.

Hai tiêu chí lựa chọn này, mới nghe thì rất hay. Nhưng tôi lại thấy khá mạo hiểm.

Ở đây có một cái bẫy đơn giản, nhưng nhiều người không nhận ra.

Thực tế, đam mê là một khái niệm khá mơ hồ.

Cháu sẽ đam mê một tuần, một tháng, một năm,… rồi chán, rồi bỏ, rồi đam mê những cái mới; hay cháu sẽ đam mê một thứ suốt cuộc đời? Không ai biết trước được. Vì thế, mang một cái bất định, không chắc chắn như “đam mê” làm tiêu chí lựa chọn ngành nghề thì chẳng khác gì chúng ta đánh bạc với tương lai của các cháu.

Và năng khiếu là một khái niệm còn trừu tượng hơn.

Năng khiếu được phát hiện khi đứa trẻ giỏi hơn các bạn cùng trang lứa về một thứ gì đó. Và chúng ta, những người làm cha làm mẹ, vì yêu con, nên luôn có xu hướng khuếch đại thêm. Nhưng trong số trẻ hát hay, vẽ đẹp hơn bạn bè, có bao nhiêu phần trăm sẽ trở thành ca sĩ, họa sĩ chuyên nghiệp? Xác suất có lẽ thấp hơn chơi số đề. Bởi vì, từ “có một chút năng khiếu” cho tới “thực sự có tài năng để thành công” là một khoảng cách xa vời.

Gia đình tôi không khuyến khích hai cô con gái chọn ngành học theo đam mê và năng khiếu của các cháu.

Chúng tôi thống nhất rằng, học là để sau này trở thành người có ích.

Có hai lựa chọn: hoặc là có ích cho xã hội, hoặc là có ích cho bản thân – gia đình.

Để có ích cho xã hội, hãy học những ngành nghề mà xã hội đang cần.

Để có ích cho bản thân – gia đình, hãy học những ngành nghề sau này dễ xin việc và có thu nhập tốt.

Quá trình học càng gian khổ bao nhiêu, sau này ra làm việc càng thuận lợi bấy nhiêu. Những thứ hữu dụng thì dù có chán cũng nên học. Giống như “thuốc đắng giã tật”, kiến thức khi học càng boring, thì sau này ra làm việc, nó càng usefull.

Gia đình tôi thấy cách tiếp cận này phù hợp với hai cô con gái của mình – những đứa trẻ khi bé đã không phải là thần đồng và ba mẹ chúng cũng chỉ mong khi lớn lên các cháu trở thành những người bình thường, có công ăn việc làm, không ăn bám gia đình, xã hội.

PS: Nếu bạn tin con mình thực sự đam mê và có năng khiếu đặc biệt, thì vẫn có thể lựa chọn ngành học theo các tiêu chí này. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng trước khi ra quyết định, vì nó ảnh hưởng đến chính tương lai của con bạn.

— Hoàng Minh Châu. Ảnh http://The-Forget-Me-Not-Diary.tumblr.com