Anyone who has never made mistake has never try anything new - Albert Einstein

Đã 25 năm nay, tôi điều hành nhiều công ty của riêng mình, tại lúc cao điểm, công ty của tôi (TrueTech) có khoảng 20 nhân viên (chính thức và làm việc bán thời gian) và các cộng tác viên. Đó là một hành trình dài, nhiều thú vị. Đến bây giờ, nhìn lại những thời điểm căng thẳng, tôi đã ước gì mình không phạm phải những sai lầm như vậy. Một số chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể, nhưng cũng có một số để lại hậu quả nghiêm trọng. Tôi muốn nêu ra đây một vài sai lầm nổi bật và hy vọng bạn không gặp phải sau này.


Tôi khá cả tin và hay tin lời người khác nói
Tôi không có thói quen xác minh lời người khác nói có đúng hay không. Tôi trưởng thành từ một môi trường đơn giản, nơi mà hầu hết mọi người đều nói sự thật. Do đó, tôi tự động xem mọi lời người khác nói đều đúng (điều này đã ăn sâu vào tiềm thức đến bây giờ).

Đấy là một điểm yếu nghiêm trọng và tôi đã phải trả giá cho nó một vài lần. Theo thời gian, đặc biệt trong vòng 15 năm trở lại đây, tôi đã biết được nhiều mánh khóe trong toan tính của đối phương, cũng như nhận ra mục đích của họ khi lừa lọc kiếm lời.

Tôi đã học được nhiều để nhận ra những điểm không nhất quán trong lời nói của người khác để hạn chế cho mình đến mức tối thiểu tình cảnh bị người khác lừa đảo. Nhưng nếu có ai đó tìm đến tôi với một câu chuyện thương tâm, tôi vẫn rất mau mủi lòng giúp đỡ cho dù nhận thấy đây là một trường hợp cần phải thận trọng.

Tôi đã phải trả giá cho những sai lầm kiểu này trong nhiều năm và chính chúng đã làm biến đổi tôi thành một người thận trọng hơn là bản chất của tôi vốn thế.

Tôi hay đánh giá người khác qua tiềm năng của họ mà không phải là thực tế công việc
Hầu hết mọi người chỉ có thể làm được một phần những gì họ có khả năng làm – theo lý thuyết.

Vấn đề của tôi là khi xem xét một nhân viên tiềm năng hay một đối tác, tôi có khuynh hướng đánh giá họ có thể làm được gì mà không phải chính xác những điều họ nói họ có thể làm được thực tế.

Nó giống như khi bạn nhìn vào một chiếc xe thể thao, nó khả năng chạy 300km/ giờ. Nhưng thực tế, nó chẳng thể nào chạy được như vậy vì điều kiện đường xá, xe cộ lưu thông, vì phải đổ xăng định kỳ… Do đó, bạn phải điều chỉnh mức độ kỳ vọng của mình theo tình hình thực tế, nhưng tôi lại rất dở ở khoảng này.

Nếu làm tốt điều này, tôi đã có thể dự đoán trước được các rủi ro của những người xung quanh ảnh hưởng đến dự án với độ chính xác cao hơn, có thể ngăn chặn các vấn đề xảy ra và ước tính chính xác mình trông đợi người khác hoàn thành công việc của họ như thế nào.

Tôi ủy quyền quá ít hoặc quá nhiều.
Điều này có lẽ là thiếu xót lớn nhất của tôi. Khi ủy quyền, hoặc là tôi giao hết mọi việc cho người khác cho đến khi nhận được là một hồi bi kịch hay ngược lại, tôi dành hết thời gian lao vào hì hục giải quyết vấn đề một mình. Điểm tốt nhất là ở đâu đó giữa hai thái cực trên, nhưng tôi chưa tìm thấy.

Qua nhiều năm, chính thiếu xót này đã làm cho cuộc sống của tôi, của nhân viên và cả đối tác tệ đi mặc dù đã có thể làm tốt hơn nhiều. Tin tưởng và kiểm soát là điều tôi đã nhận ra khi quá muộn. Tôi đã sai lầm khi giao sổ sách cho kế toán trong vòng 3 tháng mà không kiểm tra, để rồi quá muộn khi nhận ra rằng tiền lương ba tháng của công ty đã nướng hết trong một sòng bạc. Hay là lên gân với một lập trình viên mới tinh vì không đồng ý những gì anh ta đã làm để nhiều năm sau nhận ra rằng có thể dùng nhiều cách để giải quyết vấn đề.

Thật khó cho tôi để “buông tay” cho người khác thực hiện và chấp nhận người khác sẽ giải quyết công việc không giống với cách của mình nhưng vẫn đủ đáp ứng được nhu cầu.

Tôi là một người làm việc độc lập.
Khi nói đến công việc, tôi có thể làm nhiều thứ, từ điện tử, phần mềm, thợ cơ khí hay thợ mộc… Các lãnh vực kỹ thuật tôi đều có thể nhúng tay vào, tuy không giỏi nhưng cũng đủ để trở thành một nhân viên nào đó. Điều đó có nghĩa là tôi làm khá tốt mọi việc trừ một vài lãnh vực mà tôi hoàn toàn mù tịt, trên hết, tôi là một đọc giả tham lam và hầu như nhớ hết mọi điều đã đọc.

Toán học cao cấp và thiết kế là hai lãnh vực tôi không có tí năng khiếu nào trong trường, cũng tương tự là quản lý con người sau này. Kết quả là tôi cảm thấy khá hài lòng với mô hình công ty một người và hoàn toàn không được chuẩn bị tí nào khi nó lớn lên và có nhiều người hơn.

Tôi đã ao ước rằng mình được “trường đời” ép buộc tôi phải làm việc thường xuyên hơn với nhiều người trong cùng một nhóm, đầu tiên là một thành viên, rồi thành trưởng nhóm… qua đó sẽ chuẩn bị tốt hơn cho việc quản lý sau này. Những kinh nghiệm làm việc một mình đã không giúp gì tôi trong việc thiết lập mối quan hệ với các nhân viên khi công ty phát triển. Tôi chỉ thuần là một con người kỹ thuật và không hề chuẩn bị gì cho việc phụ trách quản lý một công ty, tôi cũng đã trưởng thành nhưng rất khiên cưỡng.

Bây giờ tôi đã quay trở lại nền tảng độc lập (hay chính xác hơn là chỉ với một đối tác) và cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều. Cho đến khi cảm thấy đã học tập đầy đủ hơn để có thể lớn mạnh lần nữa.

Tôi có rất nhiều năng lượng, nhưng người khác thì không.
Đó là một mặt khác của vấn đề “kỳ vọng” vào người khác. Tôi có thể làm việc với cường độ cao, nhưng những người như vậy rất hiếm gặp, thông thường, mọi người có thể làm việc tập trung trong một khoảng thời gian ngắn rồi sau đó sẽ trở lại mức thông thường.

Tôi lúc nào cũng đang làm một cái gì đó, tôi thực sự không thể ngồi yên quá 3 phút mà không tìm cho mình một việc để làm – trừ khi xem phim hay đọc sách – mà về một khía cạnh khác cũng có ý nghĩa là đang hoạt động. Trong tiềm thức, tôi cũng trong đợi người khác như mình, và thấy rất ngạc nhiên khi người khác mệt mỏi và ngồi thừ ra trước TV hay đơn giản là không làm gì cả.

Do đó, tôi có xu hướng thúc mọi người cùng hoạt động, họ cũng đã cố gắng và chẳng mấy chốc lại từ bỏ. Có lẽ tôi nên phải làm chậm mình lại để hòa nhịp cùng mọi người và giữ nhiệt huyết cho riêng bản thân mình.

Tôi chỉ có thể tập trung ngắn hạn.
Thật khó để tôi có thể tập trung vào một điều tương tự trong một thời gian dài. Điều này bắt đầu từ khi còn nhỏ, tôi chơi một món đồ chơi mới chỉ trong 10 phút, sau đó bắt đầu tháo nó ra từng mảnh để xem xét bên trong nó như thế nào. Và phải mất một thời gian dài trước khi tôi có đủ kỹ năng để lắp nó lại như cũ..

Cho đến giờ tôi vẫn còn thói quen này, tôi học rất nhanh chóng, nhưng sau khi đã nắm những bí ẩn bên trong tôi lại nhanh chóng rời đi. Nhưng nếu cho tôi một câu đố nan giải, tôi có thể dùng cả đời cho nó. Ngoại lệ đó là trò chơi Lego, điện tử (nơi tôi có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu từ những thành phần cơ bản) và lập trình.

Tôi đã rất khó khăn để vượt qua xu hướng này. Và chắc chắn tôi đã trả giá nhiều năm để cuối cùng phát hiện ra mình không hay rất ít hứng thú với việc điều hành một công ty.

Tôi là người trực tính.
Khi tôi thấy điều không vừa ý tôi hay nói thẳng, ngoại giao chắc chắn không phải là thế mạnh của tôi. Không phải ai cũng có thể đối diện với điều này, và ngay cả khi tôi đã rất có gắng để kiểm soát mình thì tôi cũng cảm thấy rất khó khăn để kiềm nén cảm xúc, nhất là khi tôi mọi người không đối xử tốt với người khác. Điều này chẳng khác nào một cơn bão cấp 7 đổ bộ bất ngờ. Mặc dù tôi biết rằng rèn luyện điều hướng cảm xúc sẽ làm cho mọi việc tốt hơn rất nhiều so với việc thổi tung mọi thứ bằng những lời chỉ trích. Tôi đã gây căng thẳng các mối quan hệ với những người có liên quan đến công việc kinh doanh của mình không chỉ một lần


Tôi chịu trách nhiệm cho những thiếu xót mà mình đã gây ra, không liên quan đến việc có bị ảnh hưởng của người khác hay không. Nếu có điều gì đó có thể làm tốt hơn nhưng tôi đã không làm, tôi rất tiếc về điều đó. Tôi hy vọng tôi có thể cải thiện thông qua những sai lầm đã mắc phải để không gặp lại một lần nữa trong tương lai.

Tôi cũng hy vọng qua bài viết này, đọc giả cũng sẽ tránh được những điểm mà tôi đã mắc phải trong quá khứ.

— Lược dịch từ “Mistakes I’ve made, and what you might be able to learn from them”, tác giả jacquesmattheij | Nguồn: Newsletter of CodeProject