Con hỏi bố: “Tại sao quanh năm mình đã về nhà ông bà nội với ông bà ngoại rồi mà Tết vẫn cứ phải về hả bố? Sao nhà mình không như nhà bạn bè con, Tết đi du lịch nước ngoài vậy bố?”.
Ừ, những năm gần đây, mọi người đã thành trào lưu đi du lịch nước ngoài dịp Tết với lý do: Tết ở nhà đông và quá nhiêu khê với đủ thứ thủ tục. Những gia đình trẻ chọn đi trốn Tết ở nước ngoài ngày càng đông. Lũ trẻ con mê đắm Disneyland hơn là gặp ông bà vì ông bà già lẩm cẩm nói nhiều, nói dai, nói dài lắm.
Là còn chưa kể những bữa ăn giống nhau đến phát ngán. Rồi đến cả những lời chúc tụng thăm hỏi nhiều khi muốn bực. Kiểu đứa trẻ mới 15-16 tuổi đã bị kêu: Lớn rồi, chẳng mấy chốc là cưới chồng cưới vợ đến nơi.
Nhiều ông chú bà bác còn vô duyên bẹo má tụi trẻ con và rổn rảng: “Bao giờ sinh thêm thằng cu (nếu đang có con gái)?”. Có thằng cu rồi thì lại: “Sinh thêm đứa con gái nữa cho có nếp có tẻ.” Cứ như thể đứa trẻ hiện hữu này là chưa đủ với bố mẹ chúng. Rồi còn nhiều câu vô duyên khác mà nếu con không vì bố mẹ nghiêm khắc chắc sẽ thể hiện thái độ ngay. Người già mong con cái về thăm dịp Tết nhưng tuyền nói những câu muốn xua đuổi nhau. Nên nhiều gia đình trẻ trốn Tết vì vậy.
Nhưng nhà mình không trốn Tết vì sao con biết không? Vì dù bố mẹ đã trải qua mấy chục cái Tết rồi nhưng vẫn còn yêu Tết lắm. Bố yêu Tết bởi Tết là khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong năm.
Nơi giao thoa cũ-mới.
Nơi trở về của mọi cánh chim đã bạt gió quanh năm.
Nơi ta biết mình có chốn gọi là Nhà.
Nơi bố thấy mình như bé lại bằng các con hôm nay.
Là bố yêu Tết nên bố chẳng muốn đi đâu xa Tết. Chỉ là các con, liệu các con có yêu Tết như bố đang yêu Tết không? Nếu các con không yêu Tết, đó là lỗi của bố mẹ chứ không phải lỗi bởi những người lớn nhiều chuyện hay Tết nay đã nhạt hơn Tết xưa.
Con biết không? Người lớn nhiều chuyện hay hỏi lương thưởng dịp Tết, hỏi cưới vợ gả chồng, hỏi sinh con đẻ cái… là bởi sự quan tâm. Chỉ là kiến văn hạn hẹp, ít trải nghiệm, thiếu tinh tế mà sự quan tâm đó có đôi chút sỗ sàng, vô duyên và gây khó chịu. Giáo dục truyền miệng khiến đôi khi thế hệ này lặp lại thế hệ trước trong từng câu nói, thái độ, thậm chí cách biểu cảm.
Có những thứ cần nhiều hơn một thế hệ để thay đổi. Nhưng tình cảm là thứ mà chúng ta cần duy trì và vun đắp. Chúng ta không vì những câu hỏi vô duyên mà cắt đứt phựt đi mối dây tình cảm này. Bởi hỏi vô duyên còn có thể sửa chứ sợi dây tình cảm mất đi rồi có khi vĩnh viễn chẳng nối lại được.
Con biết không? Tết vẫn cần tồn tại như những bàn thờ gia tiên ở mỗi nhà. Là đức tin để chúng mình dựa cậy. Thắp một nén nhang đêm giao thừa vốn là thắp một lòng tin vào may mắn cho một năm phía trước. Xã hội càng văn minh chúng ta càng cần những đức tin để soi lối dẫn đường. Để biết làm việc thiện tích đức. Để biết sống tử tế gieo điều lành. Để biết xấu hổ khi lỡ sai lầm, nhỏ nhen, khuất tất.
Bố truyền cho con những đức tin nhỏ bé thay vì những bài giáo huấn khô khan. Đó không phải mà mê tín mà là đức tin. Chỉ khi chúng ta có đức tin chúng ta sẽ ham muốn làm người tử tế, biết dừng lại khi có ý nghĩ ích kỷ, xấu xí. Và Tết chính là thời điểm ta nói với nhau nhiều hơn về đức tin ấy.
Con biết không? Tết là để trở về. Chỉ đến Tết, ý nghĩa của sự trở về mới rõ rệt đến thế. Tết cho ta biết mình có nơi chốn để trở về. Tết cho ta thấy sự đón chào ta trở về sum vầy đoàn viên. Tết mới nhìn thấy tài sản của ta lớn thế nào và có bao nhiêu ngoài những vật chất đo đếm được. Tết mừng tuổi trưởng thành lên của các con nhưng cũng là tuổi già đi của ông bà.
Nhưng thay vì chỉ thấy thời gian dần cạn của ông bà, bố muốn con nhìn thấy niềm hạnh phúc mà các con đang có: Còn đủ đầy ông bà. Tết cho con gặp bố mẹ lúc bằng tuổi các con qua những câu chuyện ông bà kể lại. Tết cho con kỷ niệm để con vững vàng hơn mai này khi đi xa.
Con biết không? Tết giúp ta nhận ra những thứ mình đang có mà ngày thường, cơm áo gạo tiền, học hành liên miên chúng ta không kịp thấy. Tết dạy ta hai từ “tươm tất”. Là dù cả năm dẫu có nghèo thì Tết vẫn cứ phải tươm tất. Bây giờ đủ đầy nên ý nghĩa của hai từ tươm tất không còn là vật chất. Nhưng tươm tất mang ý nghĩa tinh thần vẫn còn nguyên giá trị.
Tết cũng là dịp để chúng ta học về hai chữ “Bao Dung”. Là mọi lầm lỗi của năm cũ đều được thứ tha hết. Là mọi người đều dễ dàng dung thứ, từ ái với nhau. Đến cả những va quệt xe trên đường người ta cũng bắt tay nhau nói “Chúc mừng năm mới”.