Có nhiều sách nói về tối giản được dịch qua Tiếng Việt, đặc biệt được ưa chuộng sách của các tác giả người Nhật. Mình có đọc qua, đọc cả blog của tác giả nữa. Mình cũng đi học lớp dọn dẹp theo phong cách hoàn toàn khác nhau. Một là của chị Konmari, hai là lớp Organizing and storage advisor. Điểm chung của tất cả sách và phương pháp này là bạn phải giảm rất rất nhiều đồ đạc trong nhà. Càng giảm được nhiều đồ nhà bạn sẽ càng gọn gàng, tất nhiên rồi, diện tích chỉ có vậy thôi càng giảm nhiều thì càng nhiều diện tích trống.
Các phương pháp đề lọc đồ ra vứt cũng rất đa dạng, có yêu nó không, có xài nó không , tần số sử dụng như thế nào… rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá.
Mình đi tư vấn dọn nhà nhiều, việc sắp xếp đối với mình không khó, mà khó là làm sao để khách hàng có thể tự bỏ đi đồ đạc không cần thiết của mình. Mình không đưa ra bất cứ lời khuyên nào là cái này nên bỏ, cái kia không, hay không khen ngợi bất cứ thứ nào trong nhà của khách. Nhưng có người vứt rất nhiều đồ, có người thì không thể bỏ đi dù là những món rõ ràng sẽ chẳng bao giờ được ngó tới.
Mình chuyển sang tìm hiểu tâm lý của khách hàng khi vứt đồ bằng những sách viết về tâm lý khi dọn nhà cửa, qua đó mình đã tìm được một nội dung rất thú vị để giúp các bạn phân biệt được những thứ quan trọng bạn cần giữ lại trong cuộc đời bạn.
Đầu tiên những thứ bạn cần giảm đi không chỉ là đồ đạc, mà còn những thứ việc làm vô bổ, những mối quan hệ không đi đến đâu.
Mục tiêu của việc dọn dẹp là mang lại cho bạn cảm xúc tích cực, mang lại cho bạn thời gian, mang lại cho bạn môi trường để bạn tập trung làm những điều bạn yêu thích. Nếu dọn dẹp xong, có thời gian rồi bạn lại phí phạm vào việc nằm ườn coi điện thoại, thu gom cảm xúc tiêu cực từ những mối quan hệ không tốt đẹp thì lại về không.
Quá trình giảm bớt đồ đạc theo phương pháp của chị Konmari là làm liên tục trong một thời gian ngắn.
Nhưng thực tế, bạn phải đi làm, bạn phải chăm con, chăm bố mẹ ông bà thì cố gắng lắm bạn cũng phải mất khoảng nửa năm để dọn dẹp toàn bộ ngôi nhà. Trong nửa năm đó, vừa giảm bớt đồ đạc bạn hãy kết hợp giảm những việc làm vô bổ và cả những mối quan hệ không tốt nhé.
Thứ hai, có hai thứ ngăn cản bạn thay đổi tình trạng hiện tại.
Một là nỗi sợ mất mát (Loss aversion): Con người thường có xu hướng rất sợ mất mát, nên khi phải đối diện với mất mát chúng ta thường đặt ra mức giá đền bù cao hơn so với giá trị thật sự của phần đã mất( Kahneman và Tversky-1980).
Điều này dẫn đến tâm lý tiêu cực khi đối diện với việc mất đồ , và cũng đồng thời là đối diện với sai lầm trong quá khứ (mua sắm phung phí).
Hai là hiệu ứng sở hữu (Endowment effects) nói đơn giản là “tiếc của“ hay “Con cá mất là con cá to”. Chúng ta cho rằng hàng hóa sẽ có giá trị cao hơn vào lúc chúng ta sở hữu chúng.
Nói cách khác, nếu ta bán đi thứ gì, ta sẽ ra giá cao hơn mức mà bản thân ta sẵn sàng chi trả để mua nó (Kahneman, D., Knetsch, J., & Thaler, R. -1991).
Vừa sợ mất đồ, vừa thấy món đồ đó có giá trị cao hơn thực tế thì làm sao bạn có thể vứt nó đi được cơ chứ ?
Sợ mất mát đồ đạc vậy thì bạn cần làm gì để bỏ bớt đồ đạc được đây?
Đừng tập trung vào các món đồ vứt đi nữa, hãy để tâm trí giúp bạn tìm ra món đồ nào bạn cần giữ lại.
Vào phần quan trọng nhất rồi đây. Để lọc ra những thứ, những việc, những mối quan hệ không cần thiết , bạn có thể tham khảo rất nhiều phương pháp dọn nhà của chị Konmari, giảm đồ đạc theo kiểu Minimalist của anh Sasaki, hay cách giảm đồ đạc theo tần số sử dụng…
Nhưng nếu bạn không thấy hài lòng, hãy thử với ba yếu tố dưới đây. Với ba yếu tố này bạn đánh giá một món đồ đạc không hoàn toàn bằng cảm xúc, không hoàn toàn bằng lý trí mà bằng một chân lý:
Món đồ, mối quan hệ, hay hành động đó bạn giữ lại, có nâng tầm giá trị cuộc sống của bạn hay không?
Ba giá trị tích cực đó là:
- Thu nhập
- Năng lượng tích cực
- Thời gian
Thu nhập là gì, thu nhập đơn giản là tiền bạc.
Một nhà nhiếp ảnh không thể nào tối giản được máy ảnh, ống kính, chân máy, tủ hút ẩm… đơn giản vì nó đem đến thu nhập cho anh ấy. Fashion blogger thì không thể tối giản quần áo được, vì đó là nguồn thu nhập của cô/anh ấy.
Năng lượng tích cực là gì?
Đây là nguyên tắc đến từ chị Konmari, là những thứ làm bạn hạnh phúc. Như chị ấy tối giản đồ đạc nhưng lại có rất nhiều thạch anh trắng trong nhà vì mỗi khi chạm vào thạch anh trắng chị ấy cảm nhận được nguồn năng lượng hạnh phúc.Năng lượng tích cực cũng đến từ những mối quan hệ tích cực. Bạn dành thời gian tán gẫu với bạn bè, nếu bạn trân trọng mối quan hệ đó thì đó là nguồn năng lượng tích cực cho bạn.
Nếu bạn thích mua sắm thì sao? Mua sắm đem lại cảm giác tích cực khi mua và sau khi mua có khả năng đem lại cảm giác tiêu cực nếu bạn mua món đồ không ưng ý và còn lấy đi thời gian của bạn nữa nên cần rất cẩn thận khi đi mua sắm.
Thời gian đơn giản là thời gian.
Mình biết có bạn tối giản máy giặt rồi giặt tay, tối giản máy hút bụi rồi lau nhà. Tối giản và dọn dẹp để bạn có thêm thời gian làm những điều bạn muốn, nhưng tối giản để mất đi thời gian thì không hay chút nào.Nhưng nếu bạn thích giặt giũ, mùi thơm xà phòng và nước mát làm bạn dễ chịu thì bạn cứ tiếp tục vì nó đem lại năng lượng tích cực cho bạn.
Như mình nấu ăn bằng nồi đúc Kamanabe của Nhật như hình trên bếp gas thay vì nồi cơm điện, mất thêm thời gian ngâm gạo, nhưng cơm nấu rất ngon khiến cảm xúc tích cực tăng lên nhiều.
Ba món đồ giúp mình tiết kiệm thời gian nhất hiện nay là máy rửa chén bát, rô bốt hút bụi, máy giặt kèm sấy.
Mình ngày trước hay xem những trang lá cải, đọc tin tức thấy vui vui mà giờ hết đọc rồi. Đơn giản việc biết sao này có phốt gì chẳng giúp gì cho cuộc sống của mình cả, mang lại tí cảm xúc vui vui mà lấy đi bao nhiêu thời gian quý giá.
Bạn thử áp dụng ba tiêu chuẩn đó vào các đồ vật, mối quan hệ và những việc bạn đang làm thử xem. Mình cũng đang áp dụng hằng ngày và thấy rất hiệu quả.
À bạn có biết cái gì làm bạn mất năng lượng tích cực, mất thời gian và đôi khi mất tiền bạc nhiều nhất không ? Đó là những thói quen xấu. Làm sao để bỏ thói quen xấu đi thì mình sẽ viết bài khác nhé.
— Nguồn herjournals.com