Câu chuyện vay 1 USD của người Do Thái.
Một người đàn ông Do Thái bước vào một ngân hàng tại New York, với dáng vẻ nhanh nhẹn và thông minh, ông ngồi xuống quầy tín dụng.
“Xin hỏi, ông cần giúp gì?”, Giám đốc bộ phận tín dụng vừa hỏi vừa nhìn một cách dò xét người đàn ông Do Thái từ đầu đến chân.
Người đàn ông Do Thái, mặc bộ vest hàng hiệu, tay đeo đồng hồ đắt tiền, trên cổ là cà vạt hãng Jewels, ông trả lời: “Tôi muốn vay ít tiền”.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Không có gì, ông muốn vay bao nhiêu?”.
“1 đôla”, người đàn ông Do Thái trả lời.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Chỉ cần 1 đôla?”.
Người đàn ông Do Thái: “Đúng, tôi chỉ cần vay 1 đôla, có được không?”.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Tất nhiên là được ạ, chỉ cần ông có thế chấp thì có vay nhiều cũng không vấn đề gì”.
“Chỗ này để thế chấp có được không?”, Người đàn ông Do thái nói, đồng thời từ trong bộ vest hàng hiệu rút ra một đống cổ phiếu, trái phiếu… “Tất cả trị giá 1.000.000 đôla, đã đủ chưa?”
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Tất nhiên, tất nhiên là đủ, nhưng, thực sự ông chỉ cần vay 1 đôla sao?”.
Người đàn ông Do Thái: “Đúng thế”, vừa nói ông vừa đưa tay ra để nhận 1 đôla.
Giám đốc bộ phận tín dụng: “Lợi tức hàng năm là 6%, chỉ cần ông bỏ ra 6%, 1 năm sau chúng tôi sẽ hoàn trả lại ông số cổ phiếu này”.
“Cảm ơn anh”. Người đàn ông Do Thái nói xong và chuẩn bị rời đi.
Trưởng phòng tín dụng đứng bên cạnh quan sát từ lâu, nghĩ mãi cũng không thể hiểu nổi hành động của người đàn ông này, sở hữu 1 triệu đôla mà lại đi vay 1 đôla. Anh ta vội vàng chay theo người đàn ông Do Thái và hỏi:
“Thưa ông…”
“Có chuyện gì không?”
“Thực sự là tôi không hiểu, ông có 1 triệu đô, tại sao lại đi vay có 1 đôla ? Nếu như ông muốn vay 300 nghìn hay 400 nghìn đô, chúng tôi cũng rất sẵn lòng…”
“Anh không phải lo cho tôi. Trước khi tôi đến ngân hàng của các anh, tôi đã hỏi qua một vài ngân hàng, việc thuê két để cất giữ đồ quý giá quá đắt đỏ. Vì thế, tôi đã đến đây để thuê các anh cất giữ số cổ phiếu đó. Tiền thuê thực sự là rất rẻ, 1 năm tôi chỉ phải trả các anh 6 cent”
Những đồ quý giá theo lẽ thường sẽ được cất trong két bạc, đối với nhiều người đây là sự lựa chọn duy nhất. Nhưng người đàn ông Do Thái này đã không bị kẹt trong lối suy nghĩ thông thường. Tài sản của ông vẫn được cất trong két bạc của ngân hàng, và chi phí phải trả hàng năm gần như miễn phí.
Có thể nói, câu chuyện trên không chỉ cho thấy trí tuệ sâu sắc của người Do Thái mà còn mang đến bài học ý nghĩa về cách sống ở đời: Khi đứng ở một góc độ khác để suy xét vấn đề, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để đi đến thành công.
[Sưu tầm]
===========
Bạn đọc cái bài ở trên này có phải thích lắm không?
Thấy thoải mái hả hê lắm? Cảm giác mình thông minh hẳn lên? Thấy học được nhiều thứ?
Vậy tôi hỏi bạn, thật ra là bạn học được gì? Bạn có thể trả lời gì khác cụ thể và hàm thụ ngoài câu trả lời chung chung kiểu «sống là phải sáng tạo» không?
Nhân dịp có một thằng cháu bố mẹ bảo «ngày nào cũng mê đọc sách và đọc các loại sách bổ ích» mà đến nay hoàn toàn không tiến bộ dược 1 nấc nào (mà còn thụt lùi về tư duy) trừ việc luôn có niềm tin mãnh liệt rằng «con chắc chắn sẽ giàu và sẽ thành công chỉ còn chờ cơ hội thôi»
Thật ra loại bài viết như thế này chính là cái mà người ta gọi là «junk food» trong tri thức. (Biên tập: Junk food là một từ có nghĩa xấu chỉ loại thực phẩm có chứa nhiều calories từ đường và chất béo trong khi rất ít chất sơ, protein, vitamin và khoáng chất do đó không tốt cho sức khoẻ.)
Đấy là một dạng bài viết và kiến thức mà đọc vào không có ích gì trừ cảm giác thoải mái và làm đầy hơi về mặt tư duy. Nó không xấu thậm chí tốt – nếu bạn đọc 1, 2 cuốn hoặc chỉ đọc khi bạn đang sa sút ý chí. Nhưng nó vô dụng nếu bạn đọc nhiều hơn một hai lần.
Đấy là dạng bài kể chuyện mà gần như nội dung của nó không thể ứng dụng hay mở rộng vào bất kỳ ngữ cảnh nào khác lớn hơn và phức tạp hơn ngữ cảnh gốc của câu chuyện nơi mà mọi thứ về quy luật xã hội và kinh tế đã bị tác giả tối giản hóa tuyệt đối – tất cả mọi người trở nên tầm thường, ngờ nghệch; mọi quy luật trở nên đơn giản và ngây ngô đến vô cùng dễ bị khai thác và lợi dụng; trừ nhân vật chính của câu chuyện ra. (Ví dụ bạn có thật sự nghĩ là có người từng làm được như câu chuyện kể trên? Rằng cả hệ thống ngân hàng, underwriting, bảo hiểm… và bao nhiêu triệu cái đầu đều đơn giản bị một «người Do Thái khôn ngoan» qua mặt như thế?)
Nó là dạng bài khuyến khích con người ta tìm kiếm những loop hole (lỗ hổng) trong một hệ thống và cho rằng thành tựu được tạo ra từ những con đường tắt như thế. Từ những thói khôn lỏi hoặc những thói quen chi li thường nhật đã được chọn lọc rất kỹ và đưa vào một tình huống tu từ để tạo ra hiệu quả tâm lý và cảm xúc cao nhất từ người đọc. Làm họ quên rằng đời phức tạp hơn nhiều.
Loại sách này không diễn tả được sự phát triển qua từng giai đoạn, không có chiều sâu về nội dung kiến thức để bạn tích lũy. Nó là một bộ sưu tập các mẫu chuyện rời rạc huyễn hoặc được xâu lại với nhau vào một cốt truyện nào đó. Nhân vật trong truyện luôn là những con người mơ hồ và rất stereotype (biên tập: rập khuôn); và cách diễn tả của truyện luôn làm bạn cảm thấy nắm toàn bộ chủ động và hiểu toàn bộ mọi người khác trong truyện yếu kém và đơn điệu ra sao.
Nếu cuộc đời là một trò chơi cờ vua thì những cuốn sách này là lượt chơi mà trong đó bạn điều khiển tất cả các quân cờ đều là quân Hậu còn đối thủ điều khiển quân Tốt. Nó chỉ giúp bạn tạo cảm giác hưng phấn khi thắng trận và học 1-2 bài học cực kỳ đơn giản mà ai cũng biết (Ví dụ: quân Hậu mạnh nhất bàn cờ, quân Tốt yếu nhất) nhưng ngoài ra tước đi của bạn đa số khả năng suy luận logic có chiều sâu hơn ở các nước cờ, thế cờ, tâm lý đối phương…
Đấy là dạng bài đại diện cho rất nhiều sách «dạy làm giàu» và «truyền cảm hứng» đang đầy nhan nhản hiện nay. Napoleon Hill, ông tổ của thể loại này, chưa bao giờ thành công trong bất kỳ một lĩnh vực nào trên đời (phá sản vài lần) trừ lĩnh vực «dạy làm giàu» (mà theo nhiều người thì là lĩnh vực «bán giấc mơ giàu có cho những người (thường xuyên) nghèo»)
Tôi chưa bao giờ là người giàu hay thành công, nhưng vì cơ duyên mà tôi tiếp xúc một số kha khá họ. Nếu có một bí quyết dẫn đến giàu có và thành công thì tôi nghĩ bí quyết đó là: những người ấy chưa bao giờ nghĩ về giàu có và thành công cả. Một người giàu có nhờ bất động sản, tất cả những gì họ nghĩ tới là mua nhà ở đâu sẽ dễ xây lên cao, nhà nào có vị trí đường qua thuận lợi, kiến trúc nào thông gió tốt, làm sao khách của tôi sẽ có chỗ ở tốt hơn… Một người thành công về học vấn chẳng hạn họ luôn nghĩ về đề tài nghiên cứu của mình: cho những ai, viết thế nào, dùng phương pháp luận ra sao, ứng dụng thế nào…
Chưa bao giờ có ai trong óc từ đầu tới cuối luôn nghĩ «tôi muốn giàu» hoặc «tôi muốn có giải Nobel» mà giàu lên và giật giải cả. Cũng chưa bao giờ có ai từ đầu tới cuối nghiên cứu xem người Do Thái có mánh lới bịp bợm thế nào, người giàu ăn gì, giáo sư Ngô Bảo Châu hay toilet vào mấy giờ… và làm theo rập khuôn mà thành đạt theo khuôn mẫu y xì như thế.
Thành công nó không phải là cuộc thi đá cứng mà trong đó viên đá nào khăng khăng đức tin “tôi là cứng nhất” sẽ thắng. Nó cũng không phải là cuộc thi gia súc giỏi mà con vật nào làm nhiều trò xiếc theo đúng hướng dẫn nhất là sẽ thắng. Thành công là một sản phẩm phụ của quá trình chuyên môn hóa thực hiện qua sự nỗ lực tìm hiểu bản thân mình và thế giới xung quanh.
Hôm nay viết bài này để đả phá thói «công nghiệp hóa» sự thành công đầy nhan nhản đang đầu độc nhiều bạn trẻ.
Trên đời này thành công chính là tìm được điểm riêng cho con người của mình và cống hiến cho thế giới bằng cách riêng biệt của mình.
Làm sao mà thành công lại có thể đúc ra theo kiểu bán hàng đa cấp cơ chứ
— Tác giả: TRUNG TRẦN.