Rice wars in colonial Vietnam

Đọc quyển sách NHỮNG CUỘC CHIẾN LÚA GẠO Ở VIỆT THỜI KỲ THỰC DÂN – NẠN ĐÓI 1945 VÀ CON ĐƯỜNG GIÀNH CHÍNH QUYỀN CỦA VIỆT MINH của Geoffrey C. Gunn

“Có thực mới vực được đạo”! Việc ăn uống đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. Điều đó đương nhiên khỏi phải bàn cãi. Nhưng chưa bao giờ trong những nghiên cứu lịch sử về Việt Nam, việc “ăn uống, lúa gạo” được bàn đến như một khía cạnh thực sự quan trọng trong những vận động chính trị và xã hội như trong giai đoạn từ 1930 đến 1945.

Nghiên cứu của Geoffrey C. Gunn là nghiên cứu HẾT SỨC THÚ VỊ đặt vấn đề ăn uống, lúa gạo vào vị trí trung tâm của vận đông lịch sử. Gunn cho rằng việc thiếu hụt lúa gạo là nguyên nhân chính dẫn đến Vận động Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), sự thất bại của người Pháp và người Nhật ở Đông Dương, và đặc biệt là sự thắng lợi của Việt Minh trong việc giành chính quyền.

Ông đặt lại vấn đề với quan điểm phổ biến hiện này cho rằng: nạn đói 1944-1945 là do Phát xít Nhật ép buộc người dân PHÁ LÚA TRỒNG ĐAY và các loại cây phục vụ công nghiệp chiến tranh.

Điều này theo Gunn KHÔNG CHUẨN XÁC!

Ông cho rằng NGƯỜI PHÁP CHÍNH LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH, GÂY RA NẠN ĐÓI KHỦNG KHIẾP 1944-1945.

Gunn phân tích bằng số liệu hết sức thuyết phục cho thấy, chính sách THỦY LỢI, ĐIỀN ĐỊA của người Pháp trong một thời gian dài từ năm 1930 đến năm 1945 đã làm kiệt quệ nền nông nghiệp Đông Dương. Và thực tế, trong suốt thời gian này, ĐÔNG DƯƠNG LUÔN TRONG TÌNH TRẠNG THIẾU ĐÓI. Nạn đói, nói theo cách khác, LIÊN TỤC ÁM ẢNH ĐÔNG DƯƠNG TRONG SUỐT THỜI GIAN NÀY chứ không phải chờ đến năm 1944-1945.

NẠN ĐÓI NĂM 1944-1945 CHỈ LÀ MỘT HẬU QUẢ TỒI TỆ NHẤT gây ra bởi chính sách kéo dài của người Pháp chứ không phải HOÀN TOÀN do chính sách của người Nhật. Người Nhật chỉ thực sự nắm quyền quản trị Đông Dương từ tháng 03 năm 1945, và những chính sách của họ trong việc THAY THẾ trồng trọt nông nghiệp góp phần rất nhỏ bé trong việc gây ra nạn đói. Trong thế chiến thứ hai, NHẬT CŨNG CẦN LÚA GẠO, tại sao họ phải PHÁ LÚA TRỒNG ĐAY? Thực tế, họ chỉ THAY THẾ một số diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng các hệ thống cây công nghiệp phục vụ chiến tranh.

Ông phân tích chính sách của Mặt trận Việt Minh trong thời gian này để thấy họ đã tận dụng nạn đói bằng cách nào để vận động cho cuộc cách mạng và bản thân họ cũng có trách nhiệm trong nạn đói 1944-1945.

Quyển sách còn cung cấp rất nhiều thông tin đáng kinh ngạc như việc quân đội Nhật cung cấp vũ khí và ủng hộ Mặt trận Việt Minh đánh Pháp. Sau khi người Pháp bị lật đổ, mặt trận Việt Minh cộng tác tích cực với Đồng Minh (với OSS) trong việc lật đổ Nhật. Việc cộng tác giữa Mặt trận Việt Minh với Phát xít Nhật trong thời kỳ đầu có thể chính là nguyên nhân khiến phe Đồng Minh luôn nghi ngờ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sau cách mạng Tháng Tám và tìm cách phủ nhận.

Tên sách: Rice Wars in Colonial Vietnam The Great Famine and the Viet Minh Road to Power
Tác giả: Geoffrey C. Gunn
Nhà xuất bản: Rowman & Littlefield
Năm xuất bản: 2014