Sự phân chia xã hội loài người ra thành mẫu hệ và phụ hệ là MỘT NHẦM LẪN TAI HẠI của học thuật thế kỉ XIX, đã và đang để lại ảnh hưởng trì trệ đến nghiên cứu về lịch sử gia đình và thân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam.
Cách đây một thời gian Giáo sư Liam Kelley có bày tỏ bức xúc của ông đối với quan điểm phổ biến trong giới sử học liên quan đến xã hội Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng trước thời kì Bắc thuộc là xã hội Mẫu hệ (đi kèm với nó là Mẫu quyền). Trong nhiều năm trời, giới nghiên cứu sử học, văn hóa học lặp đi lặp lại những tín điều hết sức nhàm chán về mẫu hệ/phụ hệ và mẫu quyền/phụ quyền. Quan niệm này được thừa nhận bởi Trần Huy Liệu, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Khôi, Kim Định, Trần Ngọc Thêm, Trương Thái Du và một số lượng không kể xiết những nhà sử học, văn hóa học khác.
Gần đây Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận UNESCO, nhiều người cố gắng chứng minh Đạo mẫu là tín ngưỡng “bản địa” của “người Việt”, hết sức độc đáo và thể hiện tính chất “nữ” hay đặc trưng mẫu hệ/mẫu quyền của văn hóa Việt Nam.
Như Cynthia Eller (và cả Liam Kelley) có chỉ ra, quan niệm phân chia sự phát triển của loài người thành MẪU HỆ và PHỤ HỆ là sản phẩm của những nhà nhân loại học phương Tây thế kỷ XIX, khởi đầu từ Lewis Henry Morgan (1817-1881) với quyển sách kinh điển “Những hệ thống quan hệ huyết thống và hôn nhân gia đình của nhân loại” (Systems of consanguinity and affinity of the human family).
Morgan nghiên cứu cấu trúc và hệ thống quan hệ thân tộc gia đình của nhiều nhóm cộng đồng trên thế giới và cố gắng PHÂN LOẠI dựa trên quan hệ sinh học (huyết thống) và hôn nhân. Tiêu chí phân loại này dựa trên ĐỊNH KIẾN SAI LẦM rằng “hôn nhân” tồn tại trong mọi xã hội. Và rằng, mọi xã hội đều coi trọng quan hệ huyết thống, sinh học. Vì bị định kiến này chi phối, Morgan cố gắng tìm kiếm dấu vết của “hôn nhân” và “huyết thống” ở cả những cộng đồng HOÀN TOÀN không có ý niệm gì về nó.
Sau đó Morgan khái quát hóa thành: xã hội nào thừa nhận con cái huyết thống về đằng mẹ thì là mẫu hệ (matrilineal). Phụ nữ “mẫu hệ” có vị thế cao trong xã hội nên xã hội đó thường là “mẫu quyền” (matriarchal). Tương tự với đó, đứa con nào sinh ra về mặt sinh học được nhận là “đằng cha” thì đó là “phụ hệ” ( patrilineal)và “phụ quyền” (patriarchal).
Sai lầm của Morgan được tiếp nổi bởi bởi Johann Jakob Bachofen, Francois Marie Charles Fourier, John Ferguson McLennan, và những nhà Marxist sau này ĐẶC BIỆT là Friedrich Engels với quyển sách “Nguồn gốc của gia đình, chế tư hữu và nhà nước – Dựa trên định hướng của Lewis H. Morgan” (cái phần sau của tên sách này thường bị lơ đi)
Dựa trên quan niệm của Morgan, Engels đưa ra lý thuyết về tiến hóa xã hội của ông. Theo đó mọi xã hội đều bắt đầu từ mẫu hệ/mẫu quyền và sau đó chuyển sang phụ hệ/phụ quyền. Quan niệm này bị đập tan nát từ ngay khi nó mới hình thành (đọc trang 100 đến 132 sách của Cynthia Eller). Sau này quan niệm này được những nhà nữ quyền khơi lại nhằm mục đích ĐÒI QUYỀN cho phụ nữ (chương 6 sách của Cynthia Eller), nhưng vì chả có căn cứ nào thuyết phục, ý tưởng của họ cũng nhanh chóng bị gạt bỏ.
Trong suốt hơn 150 năm phát triển của Nhân loại học, bằng tư liệu điền dã của mình, những nhà nhân loại học về cơ bản đã bác bỏ giả thuyết xã hội loài người phân ra thành mẫu hệ – phụ hệ của Morgan – Engels.
Đầu tiên những nhà nhân loại học dễ ràng nhận ra một nghịch lý là trong những xã hội “mẫu hệ” và “mẫu quyền” thì đàn ông vẫn trấn áp và có quyền lực tôn giáo, chính trị như thánh thần đối với phụ nữ. Phụ nữ không khác gì cái máy đẻ. Tay đàn ông nào cũng có cơ hội được quan hệ với họ và khiến họ mang thai. Con cái thì là “của công”, “xã hội chịu trách nhiệm”. Con cái về họ mẹ vì chả ai biết thực sự cha chúng là ai. Và HỌ CŨNG CHẢ QUAN TÂM ĐẾN VIỆC CON CÁI THUỘC VỀ HỌ MẸ HAY HỌ CHA. Khái niệm, ý tưởng về CON CÁI THUỘC VỀ AI nhiều khi không có trong “từ điển” của họ.
Việc đàn ông theo về sống ở nhà vợ, hoặc người vợ được thừa kế một phần tài sản KHÔNG PHẢN ÁNH vai trò nổi trội của phụ nữ trong xã hội so với đàn ông. Trái lại, đôi khi còn phản ánh sự YẾU THẾ của phụ nữ so với đàn ông trong xã hội.
Do Morgan và Engels đều NGỒI BÀN GIẤY làm việc dựa trên ghi chép của người khác nên xã hội điển hình “mẫu hệ” là (The Crow) được hai ông sử dụng để minh họa lý thuyết của họ thực tế KHÔNG PHẢI MẪU HỆ hay MẪU QUYỀN CHÚT NÀO. Trong xã hội của họ, người đàn ông có quyền sức mạnh trấn áp, là chiến binh của bộ lạc, nắm kinh tế, nắm cả hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cùng đỉnh cao quyền lực của toàn bộ xã hội.
Những nhà nhân học sau này đi điền dã dần dần nhận ra rằng trong những “xã hội được coi là mẫu hệ” người phụ nữ hóa ra CÓ QUYỀN ở những thứ mà xã hội đó KHÔNG MẤY QUAN TÂM. Đàn ông cuối cùng vẫn có TIẾNG NÓI CHÍNH trong việc áp đặt sức mạnh thể chất, kinh tế, tôn giáo và chính trị. Họ thừa nhận KHÔNG THỂ NÀO TÌM ĐƯỢC một xã hội nào THUẦN MẪU HỆ/MẪU QUYỀN. Trong nhân học người ta gọi hiện tượng này bằng thuật ngữ “NGHỊCH LÝ MẪU QUYỀN” (matriarchal paradox). Nhà nghiên cứu nhận ra cái NGHỊCH LÝ MẪU QUYỀN này ở Việt Nam là tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, nhưng ông không đẩy xa hơn về mặt lý thuyết.
Đến thập kỉ 70s, với hoạt động của những nhà nhân học Mỹ như David Murray Schneider, đặc biệt trong quyển “Phê phán nghiên cứu thân tộc” (A Crique of the Study of Kinship), ông chỉ ra rằng KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ XÃ HỘI MẪU HỆ/MẪU QUYỀN. Sự đối lập mẫu hệ – phụ hệ, mẫu quyền – phụ quyền là một nhầm lẫn lịch sử tai hại của những nhà Marxist bị ám ảnh bởi Tiến hóa luận xã hội (ngay phần Preface của sách A Crique of The Study of Kinship).
Những nhà nghiên cứu Nhân loại học trên thế giới đã ngừng bàn về Mẫu hệ/Mẫu quyền. Đã nhiều chục năm trên những bài tạp chí danh giá của ngành Nhân học, những bàn luận kiểu này đã chấm dứt. Bao giờ nó mới chấm dứt ở Việt Nam?
————
Về mặt tư liệu
Sách “Những quý ông và những nữ chiến binh Amazons – Huyền thoại về thời kỳ tiền sử mẫu hệ, 1861-1900” (Gentlemen and Amazons The Myth of Matriarchal Prehistory, 1861–1900) của Cynthia Eller.
Sách “Systems of consanguinity and affinity of the human family” của Morgan.
Quyển “Nguồn gốc của gia đình, chế tư hữu và nhà nước – Dựa trên định hướng của Lewis H. Morgan” của Engels.
Sách “Phê phán nghiên cứu thân tộc” (A Crique of the Study of Kinship) của David Murray Schneider
Sách “The Myth of Matriarchal Prehistory: Why An Invented Past Will Not Give Women a Future” (Huyền thoại về mẫu quyền tiền sử – Vì sao một quá khứ TƯỞNG TƯỢNG chẳng làm được gì cho tương lai của Phụ nữ”) của Cynthia Eller.
Về bài viết của giáo sư Liam Kelley, xin xem:
Tiếng Anh: The Ancient Vietnamese Matriarchy and Western Theory
https://leminhkhai.wordpress.com/2014/03/21/the-ancient-vietnamese-matriarchy-and-western-theory/
Tiếng Việt: Chế độ mẫu quyền Việt cổ và Lý thuyết phương Tây
https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/che-do-mau-quyen-viet-co-va-ly-thuyet-phuong-tay
Bài viết của Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu: NAM QUYỀN TRONG CHẾ ĐỘ MẪU HỆ Ở VIỆT NAM
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-to-chuc-doi-song-tap-the/1239-ly-tung-hieu-nam-quyen-trong-che-do-mau-he-o-viet-nam.html
—–
Tựa gốc NGỘ NHẬN TAI HẠI CỦA VĂN HÓA HỌC VÀ SỬ HỌC MÁC XÍT: THẾ KỈ XXI RỒI CẦN CHẤM DỨT NHỮNG THẢO LUẬN VỀ MẪU HỆ/MẪU QUYỀN!!!
Đọc quyển sách: Những quý ông và những nữ chiến binh Amazons – Huyền thoại về thời kỳ tiền sử mẫu hệ, 1861-1900 của Cynthia Eller