Việt Nam, đất nước luôn tự hào về những giá trị nhân văn của văn hóa truyền thống, về việc xã hội biết tôn trọng và đề cao vị thế của phụ nữ lại là nơi đồng thời tồn tại những nghịch lý kì lạ đè nén và áp bức tự do lựa chọn của nhiều người phụ nữ. Những nghịch lý này khiến cho chúng tôi cảm thấy, hi vọng về việc “giải phóng phụ nữ”, “nam nữ bình quyền” thực sự chỉ là những ảo vọng xa xôi.

PHỤ NỮ LUÔN TƯỞNG RẰNG HỌ CÓ ĐƯỢC TỰ DO NHƯNG THỰC RA HỌ THẬM CHÍ KHÔNG CÓ QUYỀN KIỂM SOÁT THÂN THỂ HỌ

Có một thực tế là trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, bất kể dưới thể chế chính trị nào, “mẫu hệ” hay “phụ hệ”, thì phụ nữ thực sự chưa bao giờ có quyền làm chủ thân thể của họ. Chính trị với tiếng nói của đàn ông là chủ đạo luôn có xu hướng xây dựng những quy chuẩn pháp luật, văn hoá, đạo đức xã hội nhằm kiểm soát thân thể của người nữ cùng khả năng tình dục của họ nhằm thực hiện những mục đích vĩ mô về kinh tế, xã hội, và tôn giáo.

Hầu hết phụ nữ khi bị kiểm soát thì đều nghĩ rằng việc kiểm soát này sẽ giúp họ đẹp hơn, đạo đức hơn, khỏe mạnh hơn. Họ, thậm chí nghĩ rằng, đang có tự do và quyền lựa chọn thực sự. Chính vì vậy, người phụ nữ trong xã hội nam quyền rất dễ dàng đồng ý và thỏa hiệp với việc bị kiểm soát và chấp nhận đứng về phía đàn ông. Họ thậm chí chỉ trích cưỡng ép những người phụ nữ khác phải tuân theo những quy chuẩn đạo đức xã hội của đàn ông, do đàn ông và vì đàn ông.

Truy ngược về thời “phong kiến”, xã hội Trung Quốc (bắt đầu từ đời nhà Đường) buộc phụ nữ chấp nhận việc bị bó chân với niềm tin rằng làm như vậy họ sẽ đẹp hơn, quý phái hơn, và hạnh phúc hơn trong gia đình. Hậu quả gây ra là sự tổn hại sức khỏe vĩnh viễn đối với thân thể phụ nữ. Những phụ nữ này cả đời sẽ gắn chặt với những công việc quẩn quanh trong gia đình họ.

Xã hội “phong kiến” Việt Nam từ thời nhà Lê trở đi kiểm soát hoạt động tình dục của phụ nữ sau khi chồng chết, con chết bằng danh hiệu “tiết hạnh khả phong”, cùng hệ thống quy chuẩn đạo đức xã hội “làng xã” khiến người phụ nữ thậm chí không dám sống với những mong mỏi và nguyện vọng của riêng mình.

Xã hội tư bản hiện đại (phương Tây, Hàn, Nhật), phụ nữ phải nhịn ăn, tập luyện kiểm soát cân nặng, tìm kiếm các giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ. Cách thức xã hội vận hành theo xu hướng buộc phụ nữ phải mua sắm, trang điểm, chăm chút, phô bày cơ thể, gò mình theo những chuẩn mực vẻ đẹp thân thể cùng những tiêu chí không tưởng về sắc đẹp, thẩm mỹ tạo ra và gây dựng bởi đàn ông.

Trong những xã hội chịu ảnh hưởng của tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo) cùng những xã hội theo mô hình quản trị xã hội chủ nghĩa (Việt Nam và Trung Quốc), nhà nước thậm chí nắm quyền và lựa chọn con đường can thiệp trực tiếp vào việc kiểm soát thân thể của người phụ nữ thông qua chính sách, luật pháp.

Thậm chí 20 năm trước, giáo sư Tine Gammeltoft trong quyển sách “Thân thể phụ nữ, lo âu phụ nữ: Sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình ở cộng đồng nông thôn Việt Nam” đã đề cập rất cụ thể về lịch sử kiểm soát thân thể phụ nữ trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thông qua những khảo sát thú vị về thực tế thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở khu vực nông thôn, bà chỉ ra rằng rằng việc kiểm soát thân thể phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giai đoạn sau Đổi mới và đem đến nhiều thành tựu kinh tế cho Việt Nam. Nhưng những thành tựu này phải đánh đổi bằng hậu quả lâu dài cho tâm lý và sức khỏe phụ nữ cũng như góp phần hình thành một nền văn hóa không đếm xỉa đến góc nhìn của phụ nữ trong xã hội. Vì “phát triển”, “lợi ích quốc gia”, một cách diễn đạt khác của “lợi ích đàn ông” mà quên đi lợi ích của những người phụ nữ là không thể chấp nhận được.

Tác giả chỉ ra rằng phụ nữ trong xã hội Việt Nam giai đoạn xã hội chủ nghĩa thường được nhắc đến bằng chức năng xã hội của họ: là mẹ của ai đó, là vợ của ai đó, là con của ai đó, là người yêu của ai đó hơn là được nhắc đến với tư cách một tồn tại con người với những nguyện vọng và cảm xúc riêng của họ. Họ luôn được xã hội nhắc nhở về ý thức trách nhiệm “giỏi việc nước, đảm việc nhà“. Trong đời sống hàng ngày cũng như trên bình diện chính sách nhà nước, tiếng nói của phụ nữ hoàn toàn không tồn tại.

O du kích nhỏ dương cao súng. Thằng Mỹ lom khom bước cuối đầu.
O du kích nhỏ dương cao súng. Thằng Mỹ lom khom bước cuối đầu.

O du kích nhỏ

Nữ công nhân cơ khí

Nữ du kích

Mẹ Việt Nam anh hùng

Nữ du kích

Thu Dung và Kim Hoa đoàn văn công Giải phóng
Thu Dung và Kim Hoa đoàn văn công Giải phóng

Thời kỳ này, tác giả nhận thấy một điều ngược đời đó là những hiệp hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng cơ quan báo chí được cho là đại diện quyền lợi và tiếng nói của phụ nữ lại trở thành cơ quan phát ngôn cho tiếng nói của đàn ông, liên tục nhắc nhở phụ nữ về trách nhiệm và nghĩa vụ của phụ nữ với đàn ông và xã hội, bảo vệ những giá trị của “công, dung, ngôn, hạnh” hay những biến thể của “tam tòng tứ đức” trong đời sống hiện đại.

Tác giả chỉ ra rằng, do vì nhìn nhận phụ nữ như một sinh thể xã hội hơn là một tồn tại con người, nên giống như mọi xã hội nam quyền khác, xã hội Việt Nam thời kì này đặt toàn bộ gánh nặng kiểm soát dân số lên vai người phụ nữ. Nhà nước có nhiều chế tài hành chính, luật pháp để hạn chế việc sinh đẻ, kiểm soát dân số cho mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế. Trên nguyên tắc, họ cung cấp rất nhiều giải pháp kĩ thuật, nhưng rất ít lựa chọn cho gia đình Việt. Những giải pháp này nhằm kiểm soát dân số và kế hoạch hoá sinh đẻ chủ yếu áp dụng trên thân thể của phụ nữ chứ không phải đàn ông.

Điều khiến học giả nước ngoài như Tine Gammeltoft chú ý đó là phụ nữ Việt Nam mà bà gặp đều cảm thấy cần thiết và nhiều khi, hoàn toàn chủ động và tự nguyện chấp nhận mọi hình thức kiểm soát sinh đẻ áp đặt lên họ. Họ tin rằng nhờ đó, họ sẽ có một cuộc sống ấm no hơn, một “gia đình hạnh phúc” hơn, dù rằng không ai thực sự có thể trả lời thế nào là một “gia đình hạnh phúc”? Tác giả phân tích vì sao việc “xây dựng gia đình hạnh phúc” trở thành một ám ảnh xã hội, một kiểu ý thức hệ xã hội khiến phụ nữ dễ dàng chấp nhận những áp đặt dành cho họ.

Việc kiểm soát thân thể phụ nữ là một phần của chiến lược phát triển kinh tế xã hội bắt đầu từ trước thời kì đổi mới, nhưng phải đến năm 1988, với chính sách mỗi gia đình chỉ có một đến hai con mới bắt đầu trở thành một chiến lược quốc gia nhằm kiểm soát dân số. Nổi bật nhất trong những hình thức kiểm soát sinh sản thông qua “tiến bộ” khoa học kĩ thuật thời kỳ này ở Việt Nam là can thiệp trực tiếp vào cơ thể phụ nữ bằng dụng cụ tử cung (IUD, ở Việt Nam gọi nôm na là “đặt vòng”). Trong một thời gian dài, “chính sách đặt vòng” và “chiến dịch đặt vòng” của nhà nước khiến cho nhiều phụ nữ khi đến các trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản sẽ phải tự nguyện lựa chọn giải pháp này.

Đây là một giải pháp “bán cưỡng ép” thời kỳ này dành cho kiểm soát sinh sản do ưu điểm giá rẻ và hiệu quả cao. Song giải pháp này đã và đang gây ra những hậu quả lớn đến đời sống của phụ nữ. Theo tác giả, hầu hết mọi thống kê chỉ đề cập đến “tác dụng phụ” của giải pháp này đối với sức khỏe sinh sản (mất khả năng sinh sản) và cơ thể của phụ nữ (mệt mỏi, xuất huyết,…) mà chưa đề cập đến những hậu quả khác về mặt tinh thần cùng những trải nghiệm thân thể, và đời sống cá nhân của người phụ nữ. Điều tra nhân học của tác giả cho thấy, tâm lý, tinh thần và cảm nhận về thân thể của nhiều người phụ nữ đã hoàn toàn thay đổi theo hướng tồi tệ đi khi phải sử dụng giải pháp này vì không có lựa chọn nào khác.

Quyển sách phần nào cho thấy mà những người phụ nữ phải trả cho tăng trưởng kinh tế và những mục tiêu xã hội của những “người đàn ông”.

PHỤ NỮ LUÔN TƯỞNG RẰNG HỌ ĐƯỢC TÔN VINH, NHƯNG THỰC TẾ HỌ CHẲNG LÀ GÌ CẢ

“Chính trị của thân thể phụ nữ – Những nhà văn nữ hậu thuộc địa của thế giới thứ ba” của Ketu H. Katrak, quyển sách không có một chữ nào về Việt Nam nhưng tất cả câu chuyện là về Việt Nam.

Những tính từ hoa mỹ thường người ta phong tặng cho tôi đang dần giết chết tôi…. Người ta trói chặt thân thể tôi bằng cách ngợi ca tôi là một người phụ nữ khiêm tốn thùy mị. Người ta xiềng xích đôi chân tôi bằng cách ngợi ca tôi thủy chung. Tôi không thể chạy thoát, thậm chí tôi không thể nào bước đi…. Tôi không muốn trở thành người vợ tiết hạnh, vì khi chồng tôi chết, tôi phải bước vào giàn thiêu để chết cùng anh ấy

Những lời trăn trối đau khổ của một người phụ nữ Ấn Độ tên Saroj Vasaria trước khi bị ép chết theo chồng khiến cho tôi liên tưởng miên man về những trải nghiệm chung của người phụ nữ dưới sức nặng của “truyền thống văn hóa”. Cái “truyền thống” văn hóa CỦA đàn ông, DO đàn ông, và VÌ đàn ông mà phụ nữ ở các nước thứ ba hậu thuộc địa như Việt Nam đang ngày ngày gồng mình gánh chịu.

Trớ trêu là trong xã hội Việt Nam, người đàn ông SÁNG TẠO ra “truyền thống”, còn người phụ nữ luôn là người TUÂN THỦ, GIỮ GÌN, và BẢO VỆ “truyền thống”. Ngay cả khi “truyền thống” đấy được sinh ra để áp bức họ.

Tôi cho rằng, nếu thực sự có cái gọi là “văn hóa truyền thống Việt Nam” thì đó là một nền văn hóa xây dựng trên nền tảng đè nén, áp bức, lăng nhục và tàn hại thân thể phụ nữ. Người ta muốn tôi tin rằng đấy là nền văn hóa biết tôn vinh những giá trị cao đẹp của người phụ nữ. Tôi tin rằng đấy là nền văn hóa bóp chết giá trị độc lập của phụ nữ bằng việc TÔN VINH họ, biến họ thành những BIỂU TƯỢNG (female iconography) chứ không đếm xỉa đến họ như những TỒN TẠI CON NGƯỜI (human being).

Đó là nền “văn hóa” có những ông vua hiếp dâm như Lý Thái Tông, hiếp dâm vợ người khác không thành khiến họ uất ức nhảy sông tự sát. Kẻ hiếp dâm sau đó làm bài thơ tôn vinh tiết hạnh nạn nhân và được lịch sử ghi nhớ bằng cách biên chép vào Đại Việt sử ký toàn thư. Còn nạn nhân thì mãi mãi vô danh, được biết đến với cái tên ngắn gọn Mỵ Ê.

Đó là nền văn hóa dưới triều Lê, cấp “bảng vàng” TÔN VINH phụ nữ có nhan sắc, góa chồng cam chịu ở vậy thờ chồng nuôi con. Người phụ nữ nhận “bảng vàng” phải gồng mình sống “xứng đáng” cho hết phần đời còn lại.

Ảnh hoành phi Tiết Hạnh Khả Phong
Hoành phi Tiết Hạnh Khả Phong (đọc từ trái sang phải). Nguồn: tuoixechieu.blogtiengviet.net.

Đó là nền văn hóa dưới triều Nguyễn, phụ nữ khắp nơi được TÔN VINH và phong tặng “tiết hạnh khả phong” vì những hành động nghĩa hiệp, quên thân mình cho “cuộc sống” của gia đình và đàn ông. Họ phải gồng mình lên để XỨNG với danh hiệu đấy, làm hình mẫu cho những người phụ nữ khác BUỘC PHẢI noi theo.

Cái bảng “tiết hạnh khả phong” khiến phụ nữ khi chồng chết phải kêu gào đến chết, nhịn ăn, nhảy sông, nhảy vực, treo cổ, đâm họng, bắn súng vào đầu chết theo. Nếu không muốn chết, thì ít nhất phụ nữ phải ở vậy, thờ chồng và nuôi con cho đến hết đời. Việc đi bước nữa, tuy được thừa nhận bằng pháp luật, nhưng chả mấy ai DÁM LÀM vì áp lực của xã hội và làng xóm, và cả của những người phụ nữ khác.

Bóng ma của những cái bảng “tiết hạnh khả phong”, “tam tòng tứ đức” hiện diện khắp nơi trong đời sống thường ngày.

Phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng
Phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng “Anh hùng Bất khuất Trung hậu Đảm đang”. Nguồn: baotanghochiminh.vn.

Người ta tôn vinh phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Phụ nữ, vì được TÔN VINH, è cổ, gồng mình cống hiến cho việc nhà, việc nước chứ không DÁM nghĩ đến bản thân, hoặc ít nhất, không dám nghĩ bản thân là quan trọng. Họ bị áp bức mà nghĩ rằng họ có tự do.

Người ta khen ngợi phụ nữ “thủy chung”. Người phụ nữ vì được TÔN VINH chấp nhận gắn đời mình sống chết với một thằng đàn ông. Cái thằng nhiều khi phẩm chất không xứng đáng để liếm gót chân họ. Phụ nữ bị lăng nhục mà cứ nghĩ rằng họ được trân trọng.

Đàn ông Việt Nam tôi gặp thường cho thấy rằng họ rất thương mẹ, yêu mẹ vì mẹ đã vì họ “cần cù, chịu thương, chịu khó, tần tảo và hy sinh”. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cũng chính những người đàn ông ấy lại yêu cầu vợ mình cũng phải “biết hy sinh” và “chịu đựng” như mẹ của họ. Sự tôn vinh người phụ nữ hi sinh là áp bức với những người phụ nữ khác.

Cùng với một logic, người ta thích xây dựng tượng đài cho những phụ nữ. Người phụ nữ bị biến thành biểu tượng cho hi sinh, mất mát, đau khổ, áp bức, bất công, thủy chung là để gây sức ép lên những người phụ nữ còn lại. Những tượng đài phụ nữ buộc bản thân họ và những người phụ nữ khác phải tiếp tục trở thành những tấm gương “vì nước quên thân, vì đàn ông phục vụ”. Đâu đâu cũng thấy những tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đâu đâu cũng thấy nữ công nhân, nữ chiến binh, nữ anh hùng lao động. Phụ nữ bị hắt hủi mà cứ tưởng rằng họ được xã hội quan tâm.

Người ta nghĩ cách TĂNG PHẦN TRĂM “nữ giới” trong các cơ quan chính quyền một cách thụ động để chứng minh rằng họ “tiến bộ”, “văn minh”. Họ không để ý rằng, phụ nữ, khi bước vào chính quyền của nam giới, ngay lập tức đánh mất giọng nói NỮ GIỚI của họ. Họ phát ngôn bằng giọng nói DUY NHẤT của đàn ông. Quyền lực được xây dựng bởi đàn ông thì khi gắn vào miệng phụ nữ, nó vẫn đại diện cho đàn ông để áp bức phụ nữ. Phụ nữ bị TRỤC XUẤT ra khỏi thân thể của chính mình để thành những cái xác, phát biểu cho nguyện vọng và ý chí của đàn ông.

Những gì đọc được từ sách Ketu H. Katrak đem đến cho tôi những dự cảm tồi tệ về tương lai của bài viết này. Tôi đảm bảo rằng:

100% đàn ông comment dưới bài viết của tôi sẽ kể chuyện họ bị “áp bức” ra sao bởi phụ nữ như một thứ đáng để tự hào. Vì đó là biểu hiện của “tiến bộ”, “văn minh” (chắc chủ yếu khoe để cho vợ cầm hết tiền).

100% phụ nữ sẽ không kể việc mình bị áp bức bởi chồng, bởi điều đó bị coi là đáng xấu hổ.

90% những người đọc bài viết này không biết đến sự ra đời của một quyển sách rất thú vị ở Việt Nam, bằng tiếng Việt, của Phạm Văn Hưng, “Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỷ X – XIX”.

Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỷ X - XIX. Tác giả: TS Phạm Văn Hưng.
Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỷ X – XIX. Tác giả: TS Phạm Văn Hưng.

Phụ nữ lên tiếng đấu tranh cho bản thân thì chả ai thèm nghe. Còn thằng đàn ông viết về phụ nữ trên Facebook của mình thì chắc chắn được ủng hộ.

P/S: Bài viết không phản ánh năng lực thực tế của người viết trong việc đối xử với phụ nữ.

Tên sách: Politics of the Female Body: Postcolonial Women Writers of the Third World

Tác giả: Ketu H. Katrak

Nhà xuất bản: NJ: Rutgers UP

Năm xuất bản: 2006