A history of food in Vietnam

CÓ THỰC VĂN MINH TIỀN SỬ VIỆT NAM LÀ VĂN MINH LÚA NƯỚC? VÀ TỪ KHI NÀO NGƯỜI VIỆT NAM ĂN BÚN VÀ PHỞ?

(Nhân đọc sách “CƠM VÀ BÁNH MỲ QUE – LỊCH SỬ THỰC PHẨM CỦA VIỆT NAM” của tác giả Vũ Hồng Liên)

Quyển sách mới xuất bản của Vũ Hồng Liên là một sản phẩm đầy nỗ lực trong việc tổng kết lại lịch sử ăn uống và thực phẩm của người Việt tính từ thời kỳ tiền sử hồng hoang cho đến thời kỳ hiện đại. Vũ Hồng Liên có tham vọng đem đến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về sự hình thành cũng như thay đổi trong văn hóa ăn uống của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử của họ.

Do bởi tư liệu không thực sự phong phú, nên tác giả nhiều khi phải dựa vào truyền thuyết với huyền sử để viết về lịch sử thực phẩm của người Việt đặc biệt là trước thời Bắc thuộc. Đây là điểm yếu lớn của quyển sách bởi những câu chuyện này thực ra chẳng phản ánh một chút “sự thật lịch sử” nào đáng kể và cung cấp quá nhiều thông tin phi lý trái chiều.

Điểm thú vị của quyển sách này là ở chỗ nó gợi mở cho người đọc những thông tin hết sức thú vị về cái gọi là “VĂN MINH LÚA NƯỚC của người Việt”.

Quyển sách chỉ ra căn cứ trên dữ liệu khảo cổ, từ 2000 năm trước công nguyên, thì những người sống ở Đồng bằng Sông Hồng đã biết trồng lúa nước. Song, trong đời sống hàng ngày, nguồn thực phẩm của họ lại dựa vào chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, săn bắn và hái lượm. Những hiện vật khảo cổ tìm được cũng chủ yếu là những hiện vật liên quan đến hoạt động CHĂN NUÔI, ĐÁNH BẮT THỦY SẢN, SĂN BẮN và HÁI LƯỢM.

Ngoài ra, khi thái thú nhà Hán là Nhâm Diên đến cai trị Cửu Chân, ông ta nhận thấy rằng người bản địa chỉ thích săn bắn và đánh bắt cá chứ KHÔNG THÍCH TRỒNG LÚA. Ông ta đã buộc họ phải bỏ truyền thống săn bắn đánh cá này để chuyển sang hình thức “định cư nông nghiệp” bằng trồng lúa nước. Ông ta cũng là người giới thiệu kỹ thuật canh tác dựa trên sức kéo của trâu bò cùng cày bừa bằng sắt. Chính sách này đã khiến việc trồng lúa trở nên phổ biến, năng suất cũng tăng cao. Lần đầu tiên lượng gạo sản xuất ra đủ để cung ứng cho cả vùng Giao Chỉ và Cửu Chân.

Như vậy có thể thấy, kết luận VĂN MINH VIỆT NAM là VĂN MINH LÚA NƯỚC là một kết luận hết sức dễ dãi.

Quyển sách này còn cung cấp những thông tin thú vị khác về lai lịch của sợi “BÚN” và “PHỞ” của người Việt. Tác giả cho rằng hai món ăn này vốn bắt nguồn khoảng đời Hán – Nam Bắc Triều và phổ biến trước nhất ở khu vực ngày nay là phía Nam Trung Quốc. Sau này hai món ăn này mới bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Như vậy người Việt quãng khoảng thế kỉ thứ 5 thứ 6 đã biết đến hai món ăn này.

Khi người Pháp đến Việt Nam, người Việt Nam bắt đầu mới biết đến những sản phẩm bơ sữa. Từ “bơ” hoặc từ “bưa” trong tiếng Việt là âm Việt hóa của từ “beurre” trong tiếng Pháp. Và sản phẩm bơ sữa của Pháp ở Việt Nam là “Con bò cười” (La Vache qui rit) đã tồn tại và phổ biến ở Việt Nam dưới thời pháp thuộc vẫn còn được ưa chuộng ở Việt Nam ngày nay. Người Pháp còn đem đến bánh mỳ (dạng dài), cà phê, và làm mới lại cách thức người Việt Nam chế biến “PHỞ”, biến nó thành món ăn DÂN TỘC của người Việt.

Tên sách: Rice and Baguette A History of Food in Vietnam
Tác giả: Lien, Vu Hong
Nhà xuất bản: Reaktion Books
Năm xuất bản: 9/15/2016
ISBN: 9781780236575 Hardcover (English)