Thời đại của những anh hùng và quá trình xây dựng hình ảnh người anh hùng xã hội chủ nghĩa

Theo tác giả Benôit de Tréglodé, trước cách mạng tháng Tám ở Việt Nam đã hình thành việc sùng bái các anh hùng cách mạng (ví dụ Phạm Hồng Thái, Hoàng Hoa Thám, và những chí sĩ yêu nước khác). Việc xây dựng hình ảnh của những anh hùng thời này nhằm mục đích phá hủy tính chất chính thống của vương triều Nguyễn và đem đến một bức tranh lịch sử mới với hình ảnh những anh hùng CÔNG DÂN, chứ không phải là những anh hùng VUA CHÚA QUAN LẠI.

Sau khi giành được chính quyền, trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1964, chính quyền cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DRV) nhận ra tầm quan trọng của việc TIẾP TỤC xây dựng hình ảnh ANH HÙNG CÔNG DÂN đối với việc duy trì tính chính thống của nhà nước cũng như củng cố niềm tin của người dân đối với chế độ mới. Hình ảnh anh hùng là những người chiến sĩ, người lao động BÌNH THƯỜNG song có thể làm được những việc LỚN LAO là minh chứng hùng hồn cho thấy DRV một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Ngoài ra, việc xây dựng hình ảnh ANH HÙNG CÔNG DÂN thông qua các phong trào “Thi đua yêu nước” đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của mục tiêu kinh tế vĩ mô của nhà nước. Những người anh hùng này chuyển tải thông điệp của chính quyền về hình mẫu lý tưởng của một công dân tốt – “con người mới”, đồng thời là căn cứ để loại bỏ những biểu hiện “tiêu cực” bất tuân theo những “chuẩn mực, lí tưởng” này.

Chính vì vậy, trong giai đoạn này, nhà nước đã tiến hành phong tặng Danh hiệu anh hùng cho 148 công dân và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho 100.000 công dân khác.

Quá trình sùng bái những anh hùng công dân của nhà nước, theo tác giả đi theo ba bước.

Bước thứ nhất là nêu gương khen thưởng bằng những phần thưởng mang tính biểu tượng (bằng khen, huân chương) và vật chất (hỗ trợ tài chính cho anh hùng và gia đình).

Bước thứ hai là hình thành những KHÔNG GIAN và THỜI GIAN TƯỞNG NIỆM. Về mặt thời gian, nhà nước tạo ra một dạng “lịch yêu nước”, kỉ niệm ngày giỗ của những liệt sĩ này cùng với những “anh hùng lịch sử” khác. Về mặt không gian, nhà nước cung cấp nguồn tài chính để xây dựng nhà tượng niệm, tượng đài, khu mộ của những anh hùng này.

Bước thứ ba, khó nhất, chuyển hóa những anh hùng thời chiến này từ những công dân bình thường trở thành những LINH HỒN BẢO TRỢ cho sự trường tồn của dân tộc và dĩ nhiên của nhà nước.

Quyển sách này đi sâu vào việc nhà nước đã vận dụng những hình mẫu của những anh hùng ĐÃ ĐƯỢC XÂY DỰNG SẴN sẵn ở Trung Quốc và Liên Xô để TÌM KIẾM và BẢN ĐỊA HÓA HỌ bằng những hình mẫu ANH HÙNG VIỆT NAM tương tự.

Ví dụ như việc xây dựng hình ảnh anh hùng lao động Ngô Gia Khảm.

Vào thời đấy có một bộ phim truyên truyền sử thi nổi tiếng do Liên Xô sản xuất, “Berlin sụp đổ” ra đời năm 1949 tập trung xây dựng hình ảnh người anh hùng lao động Ivanov trong đời sống lao động thường ngày. Bộ phim đầy cảm xúc này đem đến cho người xem niềm tin rằng những nỗ lực của họ trong sản xuất ở hậu phương sẽ là một động lực lớn đem đến chiến thắng ở tiền phương. Bộ Lao động và Bộ Văn hóa ra quyết định tuyên truyền rộng rãi bộ phim này trong phạm vi cả nước. Điều này đã tạo nên “Hội chứng Ivanov” trên diện rộng. Người dân các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn kéo nhau đi xem phim đông đến mấy nghìn người. Phạm Văn Đồng nhanh chóng gửi báo cáo đến Liên Xô nói về việc họ “đã chọn được bảy anh hùng đầu tiên” của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhờ có sự cố vấn của chuyên gia Trung Quốc, Ngô Gia Khảm đã được chọn để trở thành Ivanov “phiên bản Việt Nam” ở Tuyên Quang, tháng 5 năm 1952.

Cùng với Ngô Gia Khảm còn có 6 anh hùng nữa. Do trong thời gian này cần phải xây dựng hình ảnh những người anh hùng như những người bình thường, bị áp bức bởi thực dân Pháp nên gia đình tan vỡ bất hạnh; MỒ CÔI CHA HOẶC MẸ HOẶC CẢ HAI trở thành tiêu chí trong lựa chọn anh hùng như một BẰNG CHỨNG của tội ác thực dân. Ngô Gia Khảm có cha mất sớm, Nguyễn Thị Chiên vốn là trẻ mồ côi, Hoàng Hanh mồ côi cha từ nhỏ, Trần Đại Nghĩa, La Văn Cầu và Cù Chính Lan đều mồ côi mẹ từ rất nhỏ. Chỉ có Nguyễn Quốc Trị là không có bi kịch gia đình nhưng là nạn nhân trực tiếp của thực dân Pháp nên vẫn được lựa chọn. Hình mẫu “tuổi thơ bất hạnh bị đầy đọa này” liên tiếp được sử dụng như một tiêu chí lựa chọn anh hùng trong một thời gian dài.

Quyển sách còn tiếp nối với rất nhiều thông tin thú vị về việc lựa chọn các anh hùng và chiến sĩ thi đua khác như Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Bế Văn Đàn. Những anh hùng này đều CÓ THẬT chứ không phải như những người theo thuyết hoài nghi thường viết. Song có điều, những hành động anh hùng của họ đều được cụ thể hóa và xây dựng với rất nhiều tình tiết thêm thắt. Tác giả đã làm rõ quá trình thêm thắt này trong quyển sách của mình.

Dựa trên tư liệu chủ yếu lưu trữ tại các cơ sở lưu trữ Quốc gia của Việt Nam ngày nay, Benoît de Tréglodé đã miêu tả lại quá trình tìm kiếm, tuyển chọn, và xây dựng những anh hùng của Việt Nam thời chiến. Quá trình này vẫn tiếp diễn ngày nay, sau thời kỳ sau Đổi mới và là một yếu tố quan trọng, trong hoạt động quản trị nhà nước thời kỳ hậu chiến.

Tên sách: Heroes and Revolution in Vietnam, 1948-1964

Tác giả: Benoît de Tréglodé

Nhà xuất bản: NUS Press in association with IRASEC

Năm xuất bản: 2012

Đọc sách “Anh hùng và cách mạng Việt Nam, 1948 – 1964” của Benoît de Tréglodé; dịch sang tiếng Anh bởi Claire Duiker.