Những chợ TẾT gần đây, nhìn các thầy ngồi chép chữ đẹp hơn, thấy dòng người đi mua chữ đông hơn, mà lòng vui theo. Xã hội quan tâm nhiều đến chữ nghĩa là điều thiện, điều lành.

Mượn cớ ngày Xuân, xin phép được loạn bàn đôi điều về chữ nghĩa. Có gì không trúng, mong các bạn chỉ giáo.

Với tôi, tiếng Việt thật tuyệt vời. Mặc dù ngữ pháp của nó chưa thật chặt chẽ, nhưng từ ngữ thì vô cùng súc tích. Nhiều đạo lý sâu sắc được gói gọn chỉ trong một từ!

Chẳng hạn, từ PHÚC HẬU, chứa đựng một đạo lý rất cơ bản: “Hôm nay làm việc phúc, sau này (HẬU) sẽ tốt” hay “Cha mẹ hiền lành để phúc cho con”. Ngày xưa, khi nói ai đó “vô phúc”, là nói rất nặng, vì nó tương đương với việc mắng “mày là con nhà vô phúc”, cũng có nghĩa là bố mẹ mày ngày xưa chẳng làm chuyện gì tốt. Cá nhân tôi tin rằng, những gương mặt phúc hậu về già, chính là kết quả của thái độ sống nhân từ, suốt cuộc đời luôn quan tâm và giúp đỡ mọi người, chứ không phải đơn giản là một gương mặt đẹp lão.

Từ TỐT LÀNH cũng chứa đựng một đạo lý tương tự. Làm việc tốt thì sẽ gặp lành, làm việc xấu thì sẽ gặp dữ. Sự bình an không đến qua lễ cầu an. Sự bình an đến từ bên trong, khi bạn thường xuyên làm những việc tốt như: kính già nhường trẻ, khiêm tốn, giúp đỡ mọi người… và không làm những việc xấu như: gian dối, lừa đảo, trộm cắp, đố kỵ,…

Hay như từ BẠO TÀN – chỉ hai chữ mà diễn tả đầy đủ, rõ ràng một quy luật tất yếu của cuộc sống: BẠO tất phải TÀN.

Tôi cũng thích đạo lý gói trong từ TỬ TẾ. Tử tế có nghĩa là “Tử thì tới Tế – Chết thì tới Viếng”. Có một thành ngữ khác cũng nói về ý này “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Một kẻ, khi còn sống, làm nhiều việc sai, nhưng khi đã chết rồi, thì cũng nên được tha thứ. Người tử tế phải có tấm lòng độ lượng, tới thắp một nén nhang tiễn biệt. Người tử tế không bao giờ lợi dụng đối phương đang tang gia bối rối mà “thừa nước đục thả câu”. Tiệc cưới, nếu bận, bạn có thể bỏ. Đám tang, dù bận đến đâu, cũng nên cố gắng thu xếp tới. Đừng bỏ lỡ cơ hội cuối cùng thắp nén nhang tiễn đưa một người, mà bạn đã từng thân, quen… đi xa.

Từ NHÂN QUẢ chứa một đạo lý sâu sắc khác. Nhân là nguyên nhân. Quả là kết quả. Gieo gì gặt nấy – Gieo gió gặt bão. Mỗi khi thành công hay thất bại, một điều rất quan trọng là phải tìm được nguyên nhân, để rút kinh nghiệm cho tương lai. Vậy tìm nguyên nhân ở đâu? Khi thất bại, nhiều người hay đổ lỗi cho người khác. Họ hay đi tìm nguyên nhân ở bên ngoài, ở các yếu tố khách quan. Nhưng họ đã quên mất, nhân cũng là hạt, luôn ở bên trong quả. Đi tìm ở bên ngoài, làm sao kiếm được nhân?

Từ HIẾU THẢO chứa đựng một nội dung xuất sắc, nó chỉ ra cái cách, mà các thế hệ trước-sau nên đối xử với nhau. Nhiều người hiểu không hết từ này. Ví dụ, khi bạn nói “anh Nguyễn là một người con hiếu thảo”, thì không chính xác. Hiếu-Thảo là một cặp khái niệm, giống như Trên-Dưới, Trước-Sau. Hiếu là nghĩa của người dưới. Thảo là trách nhiệm của người trên. Hiếu là đền đáp công cha nghĩa mẹ. Thảo là dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Nói đúng phải là “Người con có hiếu”, hay “Người mẹ thương thảo – người chị thương thảo”. Một người không thể vừa hiếu vừa thảo được! Hiếu-Thảo chính là một cặp khái niệm thể hiện quan hệ tình cảm Mẹ-Con, Chị-Em… Một đứa con bất hiếu luôn làm cha mẹ đau khổ nhiều hơn đứa con không thành đạt. Nhưng làm gì để con mình sau này có hiếu? Hãy có HIẾU với ông bà chăng? Đúng, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bạn cần làm thêm một việc quan trọng không kém nữa là, dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Đừng mong con cái trả ta hiếu nghĩa, khi mà ta không làm tròn trách nhiệm thương thảo. Một bà mẹ bán hàng rong, nhưng luôn dành cho con mình những gì tốt đẹp nhất thì con cái sau này vẫn có hiếu. Khi quan sát những gia đình khá giả, tôi thấy một lỗi khá phổ biến là: các cô dẫn con nhỏ đi siêu thị mua sắm, thường mua đồ hiệu cho bản thân mình và mua đồ lô cho con. Lý do biện hộ là, chúng còn bé, chưa làm ra tiền, biết gì mà sài đồ hiệu. Sau này về già, con cái cũng sẽ nói với chúng ta: già ở nhà, không làm ra tiền, có đi đâu mà cần mặc đẹp!

ĂN là một chữ rất đặc biệt trong tiếng Việt. Nó được ghép với các chữ khác để tạo thành nhiều từ, có nghĩa đen không liên quan gì tới chuyện ăn uống, nhưng chữ ĂN vẫn có mặt với vai trò dẫn dắt.

Chẳng hạn như từ ĂN HỌC, nghĩa là học, nhưng chữ ĂN đứng trước nhắc nhở phải có ăn mới học được. ĂN CHƠI, nghĩa là chơi, nhưng trước đó cũng phải ăn; ĂN MẶC, tức là mặc, nhưng phải ăn no mới nghĩ tới mặc ấm… Thú vị nhất là yêu nhau cũng dùng chữ ăn: ĂN NẰM. Và tất nhiên trước khi nằm… cũng phải ăn. Chữ ĂN thường đứng trước, như một thành ngữ quen thuộc khảng định “Có thực mới vực được đạo”.

Nhưng có một ngoại lệ thú vị, ở đó chữ ĂN lại đứng sau! Đó là chữ ĂN trong từ LÀM ĂN. Cha ông chúng ta thật sâu sắc: mặc dù tin rằng “Có thực mới vực được đạo”, nhưng tiên đề đầu tiên và quan trọng hơn vẫn là CÓ LÀM THÌ MỚI CÓ ĂN….

Ngày nay, trong môn tiếng Việt chương trình phổ thông, chỉ dạy chữ mà ít dạy nghĩa, nên học sinh không tiếp cận được với những đạo lý hay, những ý tưởng tốt có sẵn trong từ ngữ tiếng Việt. Khi tôi hỏi các bạn sinh viên, tại sao có từ ĐI HỌC mà không phải là NẰM HỌC hay NGỒI HỌC hoặc ĐỨNG HỌC, thì hầu hết các em đều bối rối. Thực chất, ĐI HỌC là một từ rất súc tích, nó chỉ ra phương pháp tốt nhất để học: học là phải đi, đi càng xa, thì càng có nhiều cái khác; càng có nhiều cái khác thì cơ hội học hỏi càng lớn. Đứng nguyên một chỗ, cái gì cũng quen, cái gì cũng biết, cơ hội học hỏi sẽ ít hơn.

Kết thúc bài viết này, tôi xin gửi các bạn một cách giải nghĩa vui của từ TRUNG GIAN: hãy cẩn trọng với người môi giới, vì TRUNG là… GIAN.

Chúc các bạn một năm mới vui khoẻ hạnh phúc.

— Hoàng Minh Châu. Ảnh http://The-Forget-Me-Not-Diary.tumblr.com