Không phải nền văn hóa nào, dân tộc nào trên thế giới cũng biết hôn môi, người Việt cổ cũng vậy.

Trong quá trình nghiên cứu về lịch sử gia đình, hôn nhân, và tình yêu ở Việt Nam, dù đã cố gắng tìm kiếm nhưng tôi không hề có bất kì cứ liệu nào về việc người Việt Nam đã biết hôn môi lãng mạn trước khi chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây.

Điều này là hoàn toàn bình thường. Từ góc độ nhân loại học, những nhà nhân loại học đã khảo sát 128 nền văn hóa có trong danh sách eHRAF World Cultures, 27 nền văn hóa từ Standard Cross Cultural Sample và phỏng vấn 88 nhà dân tộc học về 13 nền văn hóa khác, tổng cộng 168 nền văn hóa để chỉ ra rằng:

– 54% nền văn hóa không hề biết đến hôn môi, hoặc coi chạm môi vào nhau là bẩn thỉu không phải biểu hiện của tình cảm nam nữ.

– 46% nền văn hóa còn lại, hình thức hôn môi cũng không được phổ biến. Họ có thể hôn má, hôn trán, cọ mũi hoặc ôm ghì mặt với mặt. Không một nền văn hóa nào ở khu vực Châu Phi hạ Sahara, Trung Mỹ, Tân Guinea, và vùng Amazon Nam Mỹ biết đến hôn môi. Việc hôn môi phổ biến hơn ở Trung Đông và châu Á.

– Người Trung Quốc trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cũng không biết đến hôn môi. Năm 1941, trong quá trình khảo cổ, những nhà khảo cổ Trung Quốc khi tiến hành khai quật ở khu vực Bành Sơn, Mi Sơn, Tứ Xuyên có phát hiện ra một ngôi mộ đá thời Đông Hán có cảnh nam nữ hôn nhau. Giới khảo cổ Trung Quốc gọi nó là “nụ hôn đầu tiên của người Trung Quốc” nhưng khi xem kĩ lại hình thì đây có lẽ là hôn má chứ không phải hôn môi. Trước khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, để biểu đạt tình cảm gần gũi nam nữ, người đàn ông và người đàn bà sẽ hôn má nhau.

Nụ hôn đầu tiên của người Trung Quốc
Nụ hôn đầu tiên của người Trung Quốc

Khi xem lại những bức tranh quan hệ tình dục của người Trung Quốc vào thời kỳ cổ đại cũng thấy ảnh trai gái quan hệ tình dục nhưng hôn má chứ không hôn môi.

Như vậy có thể thấy, hôn môi trong quan hệ nam nữ KHÔNG PHẢI là hiện tượng phổ biến trên thế giới như chúng ta lầm tưởng. Vậy từ khi nào người Việt Nam thể hiện sự thân mật trong quan hệ nam nữ bằng HÔN MÔI NHAU? Và nếu KHÔNG hôn môi nhau thì họ “hôn” thế nào?

Trong từ điển Alexandre de Rhodes (1591-1660), phần mục từ “hôn” ông giải thích bằng tiếng Bồ Đào Nha là “beija, Latin là “osculor”. Có nghĩa là “hôn”. Nhưng không biết chắc chắn là hôn môi hay hít má (Cảm ơn anh Nguyen Dai Co Viet cải chính). Quyển từ điển này đã ghi nhận từ “yêu”, có nghĩa là tình yêu nam nữ.

“Từ điển chữ Nôm trích dẫn” của Viện Việt học không ghi nhận bất kì mục từ nào liên quan đến việc nam nữ hôn môi nhau. Mục từ “hôn” cũng có một yếu tố là “chồng ấp” “vợ hôn” (con) nhưng ở trong một văn bản Nôm rất mới gần đây, cuối thế kỉ 19.

Như vậy từ “hôn” đã xuất hiện cuối thế kỉ 17, nhưng không chắc đây là “hôn môi”, hay “hôn má”.

Nụ hôn

Thú vị nhất trong sách Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895, đã bắt đầu ghi nhận mục từ Hôn. Hôn hay “hun” theo Huỳnh Tịnh Của có nghĩa là “Kế miệng mà nút, ấy là hun theo TÂY; kế mũi mà hít ấy là hun theo An-nam cùng người Trung-quấc”.

Trong văn chương viết về tình yêu, sự hấp dẫn tình dục với đàn ông Việt xuất phát từ GÒ MÁ, và BÀN TAY, cùng ĐÔI MẮT của người phụ nữ chứ không xuất phát từ MIỆNG và nụ hôn MÔI.

NHƯ VẬY CÓ THỂ KHẲNG ĐỊNH, HÔN MÔI KHÔNG TỒN TẠI Ở VIỆT NAM TRƯỚC KHI CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA PHƯƠNG TÂY. Và đến cuối thế kỉ 19, việc hôn môi mới bắt đầu xuất hiện như một cách để biểu hiện tình yêu nam nữ. Việc hôn nhau bằng môi chắc chắn chỉ phổ biến ở đầu thế kỉ XX.

Nụ hôn

Đến nay, trải qua hơn một trăm năm, người Việt đã hoàn toàn thay đổi quan niệm của họ về tình yêu, tình dục và quan hệ nam nữ. Lịch sử về tình yêu và gia đình là một khoảng trống mà những nhà sử học cần phải làm rõ chứ không chỉ lịch sử của các triều đại, vốn chỉ là một khía cạnh nhỏ (và phần nào đã nhàm chán) trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

————

Về mặt tư liệu

Xem “Is the Romantic–Sexual Kiss a Near Human Universal” của William R. Jankowiak,Shelly L. Volsche,Justin R. Garcia ở đây: http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/aman.12286/full#aman12286

Sách “Từ điển chữ Nôm trích dẫn”

Sách Alexandre de Rhodes (1591-1660) Từ điển Việt Bồ La

Alexandre de Rhodes (1591-1660) Từ điển Việt Bồ La. Định nghĩa Hôn
Định nghĩa Hôn

Sách Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của

Định nghĩa
Định nghĩa “hôn/ hun”