NGƯỜI HMONG VÀ NGƯỜI KINH: AI MỚI LÀ NGƯỜI “LẠC HẬU”? – TẠI SAO Ý THỨC HỆ MARXIST VỀ TIẾN HÓA XÃ HỘI ĐANG BĂM NHỎ “KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC”
Sách của chị Ngô Thị Thanh Tâm (The New Way Protestantism and the Hmong in Vietnam) là quyển sách đầu tiên, hết sức dũng cảm, thẳng thắn, và trung thực của một nhà nhân học người Kinh viết về cộng đồng người Hmong bằng tất cả sự trân trọng và lòng thấu cảm của một người trong cuộc.
Nội dung chính của quyển sách tập trung nói về vấn đề tôn giáo của người Hmong theo Tin lành dưới tác động của toàn cầu hóa giai đoạn hậu xã hội chủ nghĩa.
Quyển sách giúp trả lời những câu hỏi vì sao người Hmong và nhiều nhóm/dân tộc thiểu số lại dễ dàng chấp nhận Tin Lành hơn bất kì tôn giáo nào khác? Tại sao những mâu thuẫn của người Hmong theo Tin Lành với nhà nước là lâu dài, nghiêm trọng và có thật? Tại sao sau rất nhiều năm, ảnh hưởng của người Mỹ trong cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn còn rất sâu đậm, thậm chí còn mạnh hơn cả ảnh hưởng của nhà nước thông qua hoạt động của Kito giáo và những nhà truyền đạo? Tại sao Kito giáo và Ý thức hệ của những người Cộng sản thường xuyên gay gắt đối nghịch nhau.
Đơn cử một thông tin thú vị. Điểm qua lịch sử hoạt động của những nhà truyền giáo, tác giả nhận ra rằng những người truyền giáo đã rất khôn ngoan và nhạy bén về mặt văn hóa hơn cán bộ dân vận nhà nước. Những nhà truyền giáo biết rằng người Hmong có một niềm tin mạnh mẽ và phổ biến về một ĐẤNG CỨU THẾ sẽ cứu vớt họ. Chính vì vậy họ đã cố gắng xây dựng hình ảnh Thiên Chúa như là một ĐẤNG CỨU THẾ mà người Hmong đang mong đợi. Họ thuyết phục người Hmong rằng Fuab Tais (hay là Vang Tsu), vị chúa tể Thiên Đường của người Hmong sẽ để người Hmong trở về trong vòng tay ông nếu biết tin yêu nơi chúa Jesus (trang 45)
Nhưng vấn đề khiến tôi thích thú khi đọc sách của Ngô Thị Thanh Tâm không phải là vấn đề tôn giáo. Tôi đặc biệt thích những kiến giải của chị về việc tại sao chúng ta, những người Kinh đa số, và nhà nước (với đa số người Kinh) đã thất bại trong việc tiếp cận và hiểu rõ văn hóa của người Hmong. Và điều này đã gây ra rất nhiều hiểu lầm, căng thẳng giữa hai nhóm cộng đồng.
Theo tác giả, những mâu thuẫn và căng thẳng gây ra giữa người Kinh và người Hmong hiện nay chủ yếu xuất phát từ những vấn đề kỳ thị văn hóa, sản phẩm của ý thức hệ về “tiến hóa xã hội” của những nhà Marxist.
Tiến hóa luận của những nhà Marxist thế kỉ XIX lí giải xã hội con người theo những nấc thang phát triển từ cao đến thấp, đặt trọng tâm nhận biết cao thấp ở việc đánh giá “lực lượng sản xuất” và “quan hệ sản xuất” của xã hội đó.
Cách nhìn của thế kỉ XIX này đã đặt người Hmong ở giai đoạn cực kỳ “thấp” của nấc thang “tiến bộ xã hội”. Theo đó, những người Hmong, trong con mắt của những nhà Marxist Việt Nam, đang ở trong giai đoạn du canh du cư, canh tác không ổn định. Họ hiển nhiên ở “trình độ phát triển thấp” hơn so với nông dân người Kinh, những người thâm canh và định cư. Và những “nông dân người Kinh” này, đến lượt họ, lại ở mức độ phát triển chậm hơn so với những quốc gia công nghiệp hóa trên toàn thế giới. Vì thế đi lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa là nhiệm vụ sống còn, và phải làm bằng mọi giá.
Tư duy này thúc đẩy những nhà Marxist Việt Nam nôn nóng đưa người Việt Nam vươn lên tầm cao của phát triển. Họ nhiệt tình thúc đẩy và đưa toàn bộ xã hội vào tình thế “buộc phải phát triển” và “phát triển bằng mọi giá””. Họ không biết rằng rằng phát triển và văn minh thực sự KHÔNG ĐƠN THUẦN gắn liền với quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa trên phương diện kinh tế. Tư duy đặt kinh tế và gia tăng của cải vật chất vào trung tâm của tiến hóa, phát triển xã hội đã khiến cho cả xã hội gò mình chạy theo một xu hướng trọng vật chất, tiền bạc và coi vật chất tiền bạc là chỉ dấu của “văn minh”, “tiến bộ”.
Một vấn đề trong cách thức tiếp cận này đó là những người Hmong ở Việt Nam phải cố gắng để “leo lên” những nấc thang của giá trị “phát triển” được thiết lập bởi tư duy Marxist của những người Kinh đa số, để có thể “theo kịp” người Kinh, và cố công gắng sức cho một cuộc đua “đuổi bắt” mà họ VĨNH VIỄN chỉ là những kẻ “lạc hậu” “theo đuôi”, “ngoài lề”, và không được lắng nghe.
Ám ảnh về tiến hóa luận Marxist, người Kinh sẽ lấy CHÍNH HỌ là hình mẫu để xây dựng chuẩn mực, áp đặt và phán xét người Hmong và những nhóm dân bị coi ở “nấc thang thấp” của quá trình phát triển. Những áp đặt này là nguyên nhân của sự kì thị văn hóa cùng nhiều hiểu nhầm căng thẳng trong cách các nhóm cộng đồng nhìn nhận về nhau.
Theo như quan sát của tác giả, người Kinh, những người tự coi là “văn minh” trong xã hội có xu hướng hình dung và miêu tả về người Hmong như là những kẻ “lạc hậu”, “ngu”, “dốt nát”, “tự cung tự cấp”, “không có đầu óc kinh tế”, “tội phạm ma túy”, với những “thói tật cố hữu”, tập quán làm ăn “lỗi thời”, “phá hủy môi trường”, là “bọn Mèo”, “bọn phỉ”, “bọn phản cách mạng”. Những kì thị văn hóa kiểu này cực kỳ phổ biến trong cách thức truyền thông, chính quyền và những người “văn minh” nhìn nhận về người dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung.
Có một điều hết sức đau lòng và rất thật, đó là, chúng ta, những người Kinh, say sưa với ý tưởng về PHÁT TRIỂN gắn chặt với công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong một thời gian rất ngắn, chúng ta đã để cho quá trình CÔNG NGHIỆP HÓA SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP KHÔNG KIỂM SOÁT phá hủy nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, mang tính bản địa, và đồ đầy siêu thị – chợ thực phẩm của chúng ta bằng thực phẩm kém chất lượng, thức ăn không an toàn cùng thực phẩm vứt đi của những nước phát triển. Sau đó, để thấy chúng ta không đến nỗi kém thông minh, chúng ta nhanh chóng đổ lỗi cho âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc đem thực phẩm bẩn đến bán ở chợ cóc trước cửa nhà chúng ta và đã đẩy chúng ta đến nông nỗi này.
Người Kinh ở đô thị thèm muốn được ăn thực phẩm của người dân tộc thiểu số vì tin rằng những thực phẩm đó khỏe mạnh hơn, sạch sẽ hơn. Những thương nhân người Kinh tìm đến những bản làng người Hmong để tìm mua “gà bản”, “gà mòi”, “gà đồi”, “lợn cắp nách”, “cá suối”, “cá sông” phục vụ cho nhu cầu tăng vọt “đặc sản địa phương”.
Dĩ nhiên người Hmong không mặn mà gì bán thực phẩm gia đình cho những thương nhân người Kinh tìm đến tận nhà họ. Khi tác giả nói chuyện với những thương nhân người Kinh này, họ thường chửi bới những người Hmong nuôi gà nhưng không chịu bán là “ngu si”, “không có đầu óc kinh tế”. Một ông thậm chí còn “tâm sự”: Một kilogram gà bây giờ (2007) giá ít nhất 50 ngàn đồng. Gà bản có thể trả giá cao hơn 20 đến 30 phần trăm. Tôi không thể hiểu được mấy ông Mèo, thu nhập cả tháng không bằng tiền bán ba con gà, vẫn muốn giữ gà của họ để ăn chứ không để bán. Những người nghèo nhiều khi vừa ngu vừa lãng phí”. Đối với người Kinh, người Hmong là những kẻ ngu dốt, “KHÔNG CHỊU PHÁT TRIỂN”.
Tác giả sống với gia đình người Hmong và tìm ra được nguyên nhân vì sao những người Hmong không muốn làm ăn với người Kinh. Trong mắt người Hmong, người Kinh là những người luôn tìm cách trả giá thấp, bắt chẹt và cân gian bán lận. Người Hmong cho rằng người Kinh “khôn”, “lươn lẹo”, “con buôn”, quá thô lỗ và coi thường họ. Nguyên nhân của việc từ chối làm ăn này là do người Hmong KHÔNG TIN người Kinh, và NIỀM TIN với người Hmong thì luôn quan trọng hơn là tiền bạc.
Tập quán “du canh du cư” là một tập quán sản xuất lâu đời, nhưng bị quy kết là nguyên nhân gây ra tình trạng rừng biến mất (chứ không phải do người Kinh khai thác quá đà), và không ổn định. Chính vì vậy, chính sách định canh định cư, hay chính sách hạ sơn (buộc người Hmong phải rời núi, sống ở vùng thấp, ở lẫn với người Kinh) đều được đề ra với mục đích và mong muốn tốt, những mong người Hmong được PHÁT TRIỂN. Tác giả trong quá trình điền dã chỉ ra cách làm này thực tế, bóp chết nền sản xuất bản địa của người Hmong. Nhiều người Hmong sau khi “định canh định cư” không thể tiến hành sản xuất và lâm vào đói nghèo triền miên.
Có những sự kỳ thị thường ngày diễn ra phổ biến vô tình hay hữu ý trong xã hội của chúng ta có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng (Ví dụ, người Hmong ai cũng ghét bị gọi là người “Mèo” nhưng cán bộ dân vận thường bắt họ nghe bài hát “Người Mèo ơn Đảng”! trong những chương trình cổ động cho đời sống mới. Rõ ràng chả ai thích bài hát đấy cả). Mãi cho đến những năm 1970s, nhà nước mới chính thức ngừng gọi những người Hmong chống lại chính sách nhà nước là “bọn phỉ”, “bọn phản động, chống lại TIẾN BỘ xã hội” và thừa nhận vấn đề mâu thuẫn sắc tộc là hoàn toàn có thật.
Quyển sách hết sức đáng đọc của Ngô Thị Thanh Tâm kể cho chúng ta những câu chuyện giật mình. Khiến chúng ta, những người Việt Nam thuộc “cộng đồng đa số” phải tự vấn chính mình về việc cách chúng ta nghĩ và áp đặt đã và đang ảnh hướng đến cuộc sống của nhiều triệu người dân tộc thiểu số khác. Việc bấy lâu nay chúng ta tảng lờ tiếng nói của những người Hmong nói riêng, và những người dân tộc thiểu số nói chung, đã và đang biến họ thành “người lạ” trên chính mảnh đất của mình.
————
Ngô Thị Thanh Tâm là nghiên cứu viên Khoa Đa dạng Tôn giáo tại Viện Max Planck, Nghiên cứu về sự đa dạng dân tộc và tôn giáo ở Gottingen, Đức.
Tên sách: The New Way Protestantism and the Hmong in Vietnam
Tác giả: Tâm T.T. Ngô
Nhà xuất bản: Rochester, Rochester Studies in Medical History
Nguồn: FB Nguyen Phuc Anh