Đọc sách “Dân tộc tính và Chủ nghĩa dân tộc: Lý thuyết và so sánh” của Paul R. Brass, và “Chủ nghĩa dân tộc và nhà nước” của John Breuilly.

VỀ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CÔNG CỤ

Từ những năm 1990s, Paul R. Brass (giáo sư Đại học Washington, nổi danh với những cống hiến trong nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc và tinh thần yêu nước) trong “Dân tộc tính và Chủ nghĩa dân tộc: Lý thuyết và so sánh” đã chỉ ra rằng:

– Chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước KHÔNG PHẢI là thứ có sẵn từ hàng ngàn năm trước. Nó là một thứ được TẠO RA RẤT GẦN ĐÂY, thông qua những hoạt động chính trị xã hội của tầng lớp tinh hoa thống trị xã hội.

– Giới tinh hoa thống trị xã hội TẠO RA và CỔ VŨ chủ nghĩa dân tộc cùng tinh thần yêu nước là để LÔI KÉO QUẦN CHÚNG về phía họ. Ai khéo léo hơn trong việc PHÁT ĐỘNG chủ nghĩa dân tộc, người đó có LỢI THẾ HOÀN TOÀN về chính trị và sẽ giành CHIẾN THẮNG.

– Trong những xã hội mà quyền lực được tập trung hóa cao độ vào tay nhà nước, chủ nghĩa dân tộc là công cụ hiệu quả nhất của nhà nước trong việc ĐIỀU KHIỂN, DẪN DẮT quần chúng. Đồng thời cũng là công cụ hiệu quả nhất của những nhóm chính trị đối lập lôi kéo quần chúng CHỐNG LẠI nhà nước. Điều này khiến cho chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước thành CON DAO HAI LƯỠI cực kỳ dễ bị lạm dụng. “Chơi” không khéo thì nhóm chính trị nào cũng dễ dàng bị đứt tay.

Thuyết này của Brass được gọi là CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CÔNG CỤ.

Thuyết này được mở rộng bởi giáo sư John Breuilly trong sách “Chủ nghĩa dân tộc và nhà nước“. Ông viết: chủ nghĩa dân tộc như là một hình thái của chính trị, và chính trị trên tất cả, xoay xung quanh vấn đề GIÀNH và KIỂM SOÁT quyền lực nhà nước (trang 1)

Ông cho rằng nếu chủ nghĩa dân tộc nằm trong sự kiểm soát của chính quyền, thì đó là công cụ ý thức hệ rất mạnh để DUY TRÌ QUYỀN LỰC, nhưng nếu chủ nghĩa dân tộc nằm trong sự kiểm soát của những người đối lập thì đó sẽ là công cụ ý thức hệ, ẩn chứa nhiều tiềm năng bất ngờ nhất để GIÀNH QUYỀN LỰC chính trị từ tay nhà nước (cũng trang 1).

Bản chất của chủ nghĩa dân tộc luôn hướng đến ĐỀ CAO dân tộc mình và hạ thấp những dân tộc khác. Chính vì vậy chủ nghĩa dân tộc LUÔN CẦN MỘT KẺ THÙ “TRUYỀN KIẾP” (nói là “truyền kiếp” nhưng trong chính trị, “bạn” hay “thù” đổi chỗ xoành xoạch)

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của chủ nghĩa dân tộc công cụ ở Việt Nam là thông qua sự tồn tại của nghịch lý YÊU NƯỚC – BÁN NƯỚC ở Việt Nam. Ai cũng nhận mình là người YÊU NƯỚC và tố cáo những người không chia sẻ lợi ích chính trị với mình là BÁN NƯỚC.

Song vì không ai thực sự giải thích được YÊU NƯỚC và BÁN NƯỚC là gì nên truyền thông các bên đều sa vào cuộc khẩu chiến không hồi kết về lòng yêu nước “chân chính” và “không chân chính“, “chống Tàu” hay “chống Mỹ“, “nhận viện trợ Tàu” hay “nhận dollar Mỹ“. Chả cần đến “giặc ngoại xâm” mà đất nước đã tan hoang bởi những gạch đá thù hận hai bên quăng lại. Họ dường như quên mất rằng điều cơ bản nhất cho sự tồn vong của một quốc gia không phải “ăn theo” ai mà là độc lập tư duy cùng quốc dân tự cường.

Dĩ nhiên có một điều chắc chắn là bất kì ai có can đảm nghi ngờ các khái niệm như “lòng yêu nước” và “chủ nghĩa dân tộc” sẽ phải đối mặt với nguy cơ ăn đủ gạch đá từ cả hai phía.

TỪ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CÔNG CỤ ĐẾN CHỦ NGHĨA DÂN TỘC LƯU MANH

Có một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam khiến mọi lý thuyết gia trên thế giới bất ngờ và không thể khái quát hóa được đó là quá trình biến đổi từ “chủ nghĩa dân tộc công cụ” sang “chủ nghĩa dân tộc lưu manh“.

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC LƯU MANH là một biến thể cực đoan của chủ nghĩa dân tộc công cụ trong đời sống văn hóa, học thuật. Nó thường xuất hiện trong quá trình thảo luận, trao đổi, nghiên cứu và tiếp nhận những vấn đề xã hội, văn hóa và khoa học. Theo đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc lưu manh có xu hướng đàn áp những ý kiến trái chiều bằng cách lờ đi tất cả logic của lập luận, quy kết người có ý kiến trái chiều là phản bội dân tộc, chống lại lợi ích quốc gia và nhanh chóng giành phần thắng nhờ việc biến đối phương thành “kẻ thù dân tộc“.

Chủ nghĩa dân tộc lưu manh ở Việt Nam giai đoạn sau Đổi mới có những đặc điểm nổi bật sau:

– Tất cả những người kẻ biết tiếng Tàu, dùng hàng Tàu, viết về Tàu, thừa nhận những điều có lợi cho Tàu, mặc quần áo có vẻ Tàu (tính cả quần lót), học ở Tàu, đi du lịch Tàu đều là “Hán nô”. Ý kiến của bọn “Hán nô” BÁN NƯỚC không đáng lắng nghe và ko cần suy xét.

– Nâng cao quan điểm và bẻ hướng lập luận của mọi luận điểm theo hướng chứng minh người phát ngôn là THÂN TÀU, BÁN NƯỚC dù rõ ràng người phát ngôn không có ý đó. Ví dụ dễ thấy:

https://nvphamvietdao5.blogspot.jp/2017/02/quan-iem-pho-han-cua-giao-su-phan-huy.html

(Phạm Viết Đào, nếu khá logic, sẽ nhận ra cùng một lập luận ông dùng để chống Phan Huy Lê, người ta có thể dùng để quy kết ông Đào công nhận: 1) Trung Quốc đang làm chủ Hoàng Trường Sa, và 2) Hoàng Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc)

– Luôn băn khoăn soi mói về “động cơ” BÁN NƯỚC của những ý kiến hơn là bản thân ý kiến.

– Mọi luận điểm hễ coi Việt Nam là trung tâm thì dù có được chứng minh SAI lè lè ra vẫn luôn ĐÚNG. Và ai nói trái thì không cần phải nhiều lời, cứ block Facebook và dọa đem bắn bỏ cả nhà đối phương vì phản bội dân tộc là mọi chuyện êm thấm cả.

Nói chung, quá mệt mỏi với chủ nghĩa dân tộc công cụ lẫn chủ nghĩa dân tộc lưu manh. Cần lắm một cái gì khác “văn minh” hơn thế.

———————

Về mặt tư liệu

Sách Paul R. Brass (1991) Ethnicity and Nationalism – Theory and Comparison (“Dân tộc tính và Chủ nghĩa dân tộc: Lý thuyết và so sánh”)

Sách “Nationalism and the State” (”Chủ nghĩa dân tộc và nhà nước”) của John Breuilly