Nhiều nhà khoa học, về già, lại tin vào những chuyện mà trước đây họ từng phê phán là mê tín dị đoan. Tôi thử lý giải điều này qua bài viết dưới đây.

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: Con gà tây của Nassim Taleb.

Đó là một con gà tây đã trưởng thành. Nó đã quen với việc thức dậy khi mặt trời mọc; ra khỏi chuồng; được ăn sáng; được rong chơi suốt ngày; rồi quay về chuồng khi mặt trời lặn; lại được ăn trước khi lên chuồng… Ngày hôm nay giống hệt ngày hôm qua và ngày mai cũng sẽ giống ngày hôm nay. Gà tây sống đủ lâu để tin rằng, nó đã hiểu rõ mọi quy luật của cuộc sống. Cho đến một ngày đẹp trời, nó bị làm thịt. Gà Tây không hiểu chuyện gì đã xảy ra? Tại sao sự việc không tuân theo quy luật mà nó đã biết?

Đáng tiếc, quy luật mà nó biết chỉ là quy luật của gà tây. Còn quy luật của người nuôi gà là, tới lễ Tạ Ơn thì làm thịt.

CÂU CHUYỆN THỨ HAI: khoảng cách giữa chúng ta và người ngoài hành tinh.

Một sinh viên hỏi Konstantin Tsiolkovsky – ông tổ của ngành vũ trụ học:

– Thưa giáo sư, nếu người ngoài hành tinh đã đến được trái đất, thì chắc chắn họ giỏi hơn chúng ta. Họ không có lý do gì phải lẩn trốn chúng ta. Vậy, tại sao họ không nói cho chúng ta biết sự hiện diện của họ, tránh chúng ta khỏi mất công đoán mò?

– Liệu anh có cách nào nói cho côn trùng biết về sự tồn tại của chính mình không? Konstantin Tsiolkovsky trả lời.

Rất có thể, theo Konstantin Tsiolkovsky, so với những sinh vật cao cấp hơn trong vũ trụ, con người chúng ta còn chưa bằng một con gà tây, mà chỉ cỡ một giống côn trùng.

———

Vũ trụ không có bắt đầu, không có kết thúc; không có cái gì là to nhất và chẳng có cái gì là nhỏ nhất.

Ngoài vũ trụ này có vũ trụ khác, lớn hơn, bao bọc. Bên trong một thứ nhỏ như nguyên tử, cũng có thể có một tiểu vũ trụ, mà khoa học đang từng bước khám phá… Theo logic này, con người không thể là sinh vật cao cấp nhất. Nó chỉ cao cấp hơn tất cả các loài mà chúng ta đã biết, nhưng có thể, nó thấp cấp hơn rất nhiều loài mà chúng ta không thể nhận biết.

Phát minh lớn nhất của loài người đã được tìm ra từ thời xa xưa: những người nguyên thuỷ đã biết phía trên mình còn có Thượng Đế. Dù trong nhiều thế kỷ sau đó, khoa học đã cố gắng chứng minh, Thượng Đế hay Thần Tiên chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường, thì số người tin vào sự hiện hữu của phép mầu nhiệm cũng không hề giảm đi.

Cá nhân tôi tin sự tồn tại của Thần Tiên.

Đó có thể là những sinh vật cao cấp hơn chúng ta. Họ ở trình độ công nghệ cao hơn. Có thể, họ sống trong không gian nhiều chiều hơn. Họ làm được những việc mà chúng ta không thể làm, hoặc không thể lý giải. Và chúng ta chỉ biết coi đó là phép nhiệm mầu.

Ngày nay, vật lý hiện đại cũng bắt đầu nghiên cứu về các không gian đa chiều, trong khi Phập pháp đã nhiều lần nhắc tới không gian 11 chiều.

Không gian nhiều chiều chứa đựng thông tin đầy đủ hơn không gian ít chiều.

Ví dụ, một ngôi nhà trong không gian ba chiều, khi chuyển sang không gian hai chiều chỉ còn là bản vẽ. Bản vẽ một ngôi nhà hiển nhiên chứa ít thông tin hơn chính ngôi nhà. Trong không gian ba chiều, chúng ta thấy một người bị bệnh hiểm nghèo. Nhưng trong không gian nhiều chiều hơn, có thể tường minh, người đó bị bệnh vì đang trả nghiệp tiền kiếp. Một người vì buôn gian bán lận kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng trong không gian nhiều chiều hơn, có thể tường minh, anh ta được tiền nhưng mất đức và cái đức anh ta bị mất, theo quy luật bảo toàn, chuyển cho chính người bị anh ta lừa. Tôi thích câu dân gian thường nói “Thượng Đế biết hết”. Thượng Đế sống trong không gian nhiều chiều hơn, nên chắc chắn có nhiều thông tin hơn. Một người biết rõ hơn chúng ta về mọi chuyện, hiển nhiên xứng đáng để dẫn dắt chúng ta.

Không gian nhiều chiều chứa đựng các phương tiện phong phú hơn không gian ít chiều.

Con kiến sống trong không gian hai chiều, phải đi một quãng đường rất dài mới qua được bên kia một khe núi hẹp, trong khi con chim, sống trong không gian ba chiều, chỉ cần vài lần vỗ cánh cũng bay qua. Trong không gian ba chiều, có những hành tinh cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng, nhưng trong không gian nhiều chiều hơn, có thể chỉ cách nhau một cánh cửa như truyện Harry Potter.

Các nhà khoa học tin rằng, công nghệ sẽ giúp con người tiến vào những không gian nhiều chiều hơn, ở đó có nhiều thông tin hơn, nhiều phương tiện hơn, cho phép đạt được những thành tựu mới.

Các nhà tu hành tin rằng, năng lượng tích tụ qua tu luyện sẽ giúp con người tiến vào những không gian nhiều chiều hơn, ở đó có nhiều năng lượng với tần số cao hơn, cho phép đột phá những tầng thứ mới.

Với sự tiến bộ của loài người, rất nhiều câu chuyện thần thoại trong quá khứ đã trở thành hiện thực. Ngày nay, bạn có thể mở cửa ngôi nhà của mình bằng chính câu khẩu chú trong Ngàn lẻ một đêm: “Vừng ơi mở ra”!

Thần Tiên không phải là chuyện hoang đường.

Nếu con người không phải là sinh vật cao cấp nhất, thì mọi sinh vật cao cấp hơn chính là Thần Tiên. Đó là khái niệm mà chúng ta gán cho những ai có thể tạo ra sự mầu nhiệm mà con người chưa thể lý giải. Có thể, đó chỉ là những sinh vật cao cấp hơn chúng ta, sống trong không gian nhiều chiều hơn. Thần Tiên, có lẽ, cũng có vô hạn đẳng cấp, tương ứng với những không gian vô hạn chiều.

Khảng định chuyện Thần Tiên là “phản khoa học” chỉ nói lên rằng, khoa học chưa đạt tới trình độ để giải thích sự mầu nhiệm. Trước thế kỷ 20, một câu thần chú như “Vừng ơi mở ra” chắc chắn bị coi là chuyện hoang đường.

Sự phản tỉnh của nhiều nhà khoa học, vào cuối đời, đã nói lên một điều, chuyện Thần Tiên không phải là phản khoa học. Thần Tiên chính là những tầng thứ trên cao mà Khoa học đang từng bước tiến tới.

Vài chia sẻ cá nhân, không có chủ ý áp đặt. Xin được chỉ giáo.

— Hoàng Minh Châu. Ảnh http://The-Forget-Me-Not-Diary.tumblr.com