Ở bên phải của bảo tàng Pompidou có một phim tài liệu ngắn(*1) về Jackson Pollock . Tất cả những gì ông làm, nhìn từ bên ngoài chỉ là nhẩn nha đi đi lại lại (miệng ngậm thuốc), vẩy vẩy màu hoặc nhỏ màu (dripping) lên canvas. Nhưng Pollock nói rằng ông hoàn toàn làm chủ cái việc vẩy màu đó không có cái gì là “accident” bởi vì “mỗi bức tranh có một đời sống riêng của nó, tôi chỉ cố gắng để nó lộ ra”.
Hôm trước, Auguste Rodin cũng nói tương tự như vậy trong phim tài liệu. Nghĩ mà xem, Rodin làm việc trên đá, chỉ bằng một cái búa và một cái đục. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn chưa hết kinh ngạc mỗi lần nghĩ đến cái sự thật ngớ ngẩn này. Điêu khắc – dĩ nhiên rồi, phải làm việc trên đá, trên đất. Nhưng phải nhìn Rodin cầm búa đẽo từng miếng đá cứng, nhìn bụi đá bay ra… và rồi nhìn sự nhẵn nhụi, hoàn hảo – hơn hết là cảm giác sensual sống động của những bức tượng như The Eternal Idol, The Kiss, hay Despair… thì mới biết “điêu khắc” không hề dễ mặc dù Rodin nói rất đơn giản: “trong mỗi khối đá đều có sẵn một bức tượng, điêu khắc chỉ là công việc loại bỏ đi những phần thừa để bức tượng lộ ra”.
Biết cái gì là thừa để loại bỏ đi là một việc không hề dễ dàng. Mà không, tôi sẽ không nói một câu đãi bôi như thế. Tôi sẽ nói: biết cái gì thừa để mà loại bỏ là một việc khó.
— Một mình ở châu Âu | Phan Việt
— Ảnh Convergence, 1952 by Jackson Pollock, nguồn https://www.jackson-pollock.org
(*1): không phải là đoạn video clip trong bài