30 năm trước khi ngôi đền được xây dựng, Athena nằm dưới đống đổ nát, trong gót giầy của kẻ xâm lược – cũng là một trong những nền văn minh cổ đại lớn nhất: Ba Tư. Người Athena đã đứng lên, kêu gọi các thành thị cùng nhau đoàn kết đánh đuổi quân Ba Tư. Chiến thắng đã thuộc về họ với sự lãnh đạo của một vị tướng tài tên là Pericles. Athena đã được xây dựng lại, và một thời kỳ huy hoàng đã mở ra, thời kỳ của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, trở thành những chuẩn mực tinh hoa mà hôm nay phương Tây vẫn ngóng về, với những giá trị về điêu khắc, kiến trúc, triết học, lịch sử, và đặc biệt: nền dân chủ.

Đền Parthenon và nữ thần AthenaĐền Parthenon và nữ thần Athena

Sau này, khi cả Châu Âu nằm trong đêm trường trung cổ, rồi bùng phát dậy với những Leonardo da Vinci hay Mikenlangielo, thì thành tựu ấy được đặt tên là “Thời kỳ phục hưng”. Hai chữ “phục hưng” ngụ ý là đưa Châu Âu quay lại các giá trị cũ của Hy Lạp giai đoạn này: một giai đoạn đỉnh cao của cái đẹp. Ngày đó, Các Mác đã dùng mấy chữ “Bởi thời đại đó sinh ra những con người ấy.”

Đền Parthenon được xây dựng trong giai đoạn nở rộ về trí tuệ ấy. 70.000 miếng đá cẩm thạch đã được lắp ghép lại. Những chiếc cột mà chúng ta nhìn trong ảnh cứ ngỡ rằng thẳng đứng, nhưng thực tế lại là những đường cong rất nhẹ. Chính những đường cong mềm đã khiến ngôi đền ngỡ như chai lì lại thực tế rất mềm mại. Một nhà khoa học khi nghiên cứu đền Parthenon đã thốt lên: “Chỉ bằng những đường cong nhẹ của những cột trụ, ta như thấy một vận động viên đang nâng tạ với đôi vai rộng, hơi thở sâu, lồng ngực nở nang. Nó không còn là khối đá chết, nó có hơi thở, có nhịp đập.”

Đền thể hiện một sự cân xứng tuyệt đối, sự hòa hợp của các phần nhỏ với cả tổng thể ngôi đền. Được ví như một bản giao hưởng với các nốt nhạc. Tại sao có thể làm được những điều đó? Những người xây dựng đã sử dụng những tỉ lệ cố định dùng cho tòa nhà, trong đó có tỉ lệ vàng. Ngôi đền Parthenon là hiện thân của sức mạnh tỉ lệ vàng.

Vậy tỉ lệ vàng là gì? Tỉ lệ vàng = φ (phi) = 1.6180339…là nghiệm của phương trình bậc hai a^2-ab-b^2=0.

Trong toán học và nghệ thuật, hai đại lượng được gọi là có tỷ số vàng hay tỷ lệ vàng nếu tỷ số giữa tổng của các đại lượng đó với đại lượng lớn hơn bằng tỷ số giữa đại lượng lớn hơn với đại lượng nhỏ hơn. Tỷ lệ vàng thường được ký hiệu bằng ký tự φ (phi) trong bảng chữ cái Hy Lạp nhằm tưởng nhớ đến Phidias, nhà điêu khắc đã xây dựng nên đền Parthenon. (Wikipedia)

100 năm trước khi ngôi đền được xây dựng. Một trong những nhà toán học nổi tiếng nhất, người gây ra rất nhiều đau khổ cho những thế hệ học sinh dốt toán trên khắp thế giới. Tên ông là Pytago. Tuy nhiên nhà toán học này thực tế còn vĩ đại hơn rất nhiều những gì được miêu tả trong sách. Bản thân Pytago còn là một nhà triết học, một nhà khoa học lớn. Và ông là người đã tìm thấy sức mạnh của tỉ lệ vàng mà một nhà toán học Hy Lạp cổ đại tên là Hippasus đã khám phá ra trước đó. Sau khi được Pytago định hình, nhưng môn đồ của ông vì quá kinh sợ trước sức mạnh của tỉ lệ này đã giữ bí mật.

Tỉ lệ vàng xuất hiện khắp thiên nhiên và vạn vật. Bạn có thể thấy tỉ lệ đó trong thiết kế của một tổ ong, của vỏ ốc, cánh một con bướm, hình xoáy trên vỏ thông…tất cả đều xoay quanh tỉ lệ vàng. Trong cơ thể con người, có 12 tỉ lệ vàng, điển hình là đỉnh đầu tới ngực / chiều rộng của bụng, chiều dài của cẳng tay / chiều dài bàn tay …. Tỉ lệ vàng quyến rũ tất cả mọi nhà khoa học, nhà phát minh, kể cả cha đẻ của những chiếc iPhone là Steven Job. Khi khoa học phát triển, người ta sửng sốt nhật ra dãy AND cũng có tỉ lệ vàng trong đó, chuỗi lượng tử, và thậm chí đường kính ngôi sao Thổ…cũng mang chúng vào. Dường như có một sức mạnh vĩ đại nào đó đang nhắn gửi đến loài người về một sự chế tạo. Chúng ta là ai? Chúng ta đến từ đâu? Vì sao tất cả chúng ta đều liên quan đến một tỉ lệ. Và vì sao loài người-động vật thông minh nhất lại sở hữu tỉ lệ đó cao nhất.

Protagoras – nhà triết học cổ Hy Lạp ngày đó đã nói câu như sau: “Con người là thước đo mọi vật.”

Một tấm bia đá được tìm thấy về sau là bằng chứng về đơn vị đo lường mà người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng: tất cả là lấy từ con số của cơ thể người. Bạn không tin? Hãy lục lại xem một trong những đơn vị đo lường tiếng Anh là gì? Đó là “Foot” (bàn chân).

Về sau, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại, cha đẻ của một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại – Tượng thần Zeus ở Olympia: Phidias, chính là người đã sử dụng tỉ lệ vàng một cách chính thức cho các công trình điêu khắc. Trong đó đương nhiên là đền Parthenon. Có thể nói, ngôi đền Parthenon mang những vẻ đẹp cân xứng như cơ thể một con người hoàn hảo. Ngôi đền bằng đá cẩm thạch lại hệt như một bản giao hưởng của những tỉ lệ, những con số, những nét quyến rũ của một cơ thể con người. Đó là lý do vì sao một đứa trẻ như tôi ngày đó, chỉ ngắm nhìn trong các bức ảnh đẹp, lại bị quyết rũ. Đơn giản, tỉ lệ vàng tạo nên sự hài lòng về thị giác.

Đến với Parthenon là đến với nền tảng của văn minh hiện đại, là thấy một dòng chảy hoàng kim như trở về, nơi đó có Socrates – triết gia vĩ đại người đặt nền móng cho triết học hôm nay, có Hippocrates – người tạo nên những lời thề để những sinh viên y khoa nói trong ngày tốt nghiệp, và đặc biệt có Herodotos – người cha của môn sử học.

Năm 432 TCN, đền Parthenon được hoàn thành. Đời sau phải mất 30 năm với đầy đủ công nghệ hiện đại để đi phục chế từng viên đá một, nhưng thời xưa chỉ mất 8-9 năm để xây xong ngôi đền nặng 32.000 tấn này. Ở vị trí trung tâm ngôi đền là bức tượng nữ thần Athena bằng vàng và ngà voi. Xung quanh là những bức phù điêu thể hiện tài điêu khắc của Phidias. Văn minh chiến thắng, trật tự chiến thắng.

Cho đến một ngày dịch bệnh xảy ra, tiêu diệt 1/3 dân cư Athena và người đã khai sáng ra nó là Pericles. Quân Spartacus tràn vào Hy Lạp, và đền Parthenon chịu những sự sỉ nhục đầu tiên. Athena hoang phế theo thời gian, kéo theo cả vẻ đẹp của Hy Lạp cổ đại giờ chỉ còn trong những trang sử liệu. Từng dòng chảy quân xâm lược thay nhau tràn vào Hy Lạp để vũ nhục ngôi đền, từ Hồi Giáo đến Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng là quân Anh thế kỷ 19 đã tấn công và lấy đi tất cả những gì đẹp nhất của ngôi đền này. Chỉ có những cây cột trụ với sự hùng vĩ và tỉ lệ thần thánh theo thời gian là còn ở lại, như chính giá trị cốt lõi của con người…

Parthenon | Ảnh Steve Swayne • CC BY 2.0
Parthenon | Ảnh Steve Swayne • CC BY 2.0

Như chính Parthenon chưa bao giờ chết, sau Parthenon, những công trình hiện đại như Nhà Trắng, sở giao dịch chứng khoán New York, hay thậm chí là ngân hàng nhà nước nằm ở đường Nguyễn Công Trứ-Quận 1 cũng có những hàng trụ như vậy. Parthenon sống mãi cho đến tận sau này về một vẻ đẹp chưa bao giờ là lỗi thời, mà thậm chí còn tượng trưng cho sức mạnh ưu tú của tỉ lệ vàng, vẻ đẹp của con người qua hình hài vô tri của đá.

— Tác giả Dũng Phan