KHÔNG PHẢI ĐÀN ÔNG THỜI KỲ NÀO CŨNG MÊ NGỰC PHỤ NỮ
Không phải đàn ông nào trên thế giới cũng nhìn ngắm bộ ngực người phụ nữ bằng con mắt nhục dục. Đó là một thực tế!
Trong rất nhiều nền văn hóa, bộ ngực phụ nữ hoàn toàn không phải là biểu tượng của tình dục. Chúng ta có thể thấy điều này hết sức rõ ràng khi xem lại những bức ảnh về phụ nữ các tộc người ở Tây Nguyên với bộ ngực trần và làn da ngăm trong thời kỳ Pháp thuộc và chiến tranh Việt Nam.
Vậy từ khi nào, bộ ngực người phụ nữ trở thành biểu tượng của tình dục?
Học giả Marilyn Yalom trong quyển sách Lịch sử về ngực “A History of the Breast” đã tiến hành truy ngược lịch sử để đưa đến một hình dung đầy đủ về hình ảnh bộ ngực phụ nữ trong nền văn hóa phương Tây từ thời Trung cổ đến thời hiện đại.
Bà chỉ ra rằng nam giới là một mắt xích quan trọng trong việc kiến tạo hình ảnh mới về bộ ngực phụ nữ. Bà cho rằng, từ rất sớm trong lịch sử văn hóa phương Tây, bộ ngực của người phụ nữ đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho đàn ông trong lĩnh vực thơ ca, đạo đức, truyền thông, và cả bác sĩ thẩm mỹ.
Từ thời Cổ đại đến thời Trung Cổ trong tinh thần Kito giáo thì hình ảnh ngực phụ nữ vốn chỉ biểu tượng cho sự thiêng liêng và trân trọng. Điều này thể hiện qua những bích họa của Mẹ Maria để ngực trần cho Jesus bú.
Nhưng khi đến thời Phục Hưng thì hình ảnh bộ ngực bị che đi. Điển hình là bức tranh Madonna and Child của Jean Fouquet, ngực phụ nữ bị che giấu đi một nửa và đứa trẻ chỉ ngồi trong lòng mẹ. Người xem tranh chỉ thấy đường nét ẩn hiện tạo nên bờ ngực của người phụ nữ mà thôi.
Hiện tượng này, theo Yalom, là chỉ dấu cho việc bộ ngực phụ nữ đã bị tình dục hóa, mất đi tính chất thiêng liêng tôn giáo của nó.
Cũng trong chính giai đoạn này, cách nhìn về chức năng của bộ ngực phụ nữ cũng bắt đầu phản ánh góc nhìn giai cấp, đẳng cấp.
Bộ ngực của phụ nữ thuộc tầng lớp thấp trong xã hội bị coi là một thứ công cụ để chăm sóc con cái. Trong khi đó, bộ ngực của phụ nữ quý tộc không phải là để cho con bú mà để phục vụ nhu cầu tình dục của đàn ông.
Ở Hà Lan, thế kỉ 17, hình ảnh ngực phụ nữ chính thức trở thành chủ đề bàn luận của những nhà đạo đức học. Lúc này, trong những gia đình tư sản, bộ ngực không chỉ là biểu tượng cho tình mẫu tử, nuôi nấng con cái hay tình dục của đàn ông nữa. Người đàn ông đặt tay lên ngực phụ nữ là để thể hiện sự gần gũi, tình bạn, sự sẻ chia, dịu dàng, và tôn trọng.
Vào thời kỳ này, việc làm đẹp cho ngực phụ nữ tư sản cũng gian nan không kém để thỏa mãn cho tình dục đàn ông. Phụ nữ phải mặc áo ngực với hệ thống vòng khung nâng đỡ làm bằng gỗ và xương cá voi gây bất tiện. Đôi khi kiểu áo ngực này làm gãy xương sườn.
Vào thế kỷ 18, trong thời kỳ Cách mạng Pháp, ngực trở thành một biểu tượng chính trị. Bức tranh nổi tiếng trong thời Cách mạng Pháp là “Nữ thần Tự Do dẫn dắt nhân dân” (Delacroix’s Liberty Leading the People), mô tả một người phụ nữ là Marianne cầm ngọn cờ ba màu dẫn người dân đi phía sau, đặc biệt là ngực trần không che đậy gì cả. Ngực trần lúc này thể hiện cho sự giải phóng.
Thời kỳ cách mạng Pháp, việc nuôi con bằng sữa mẹ nhất là ở tầng lớp tư sản được đề cao vì người mẹ có đạo đức là người nuôi dưỡng đứa trẻ trở thành công dân nước Pháp.
Trong thế chiến thứ nhất, Marianne với hình ảnh đứng cạnh khẩu pháo và mái tóc bay trong gió cùng câu nói “ưỡn ngực thẳng chống lại quân đội Đức” tiếp tục được đưa lên những áp phích cổ động của người Pháp.
Người Mĩ trong chiến tranh cũng sử dụng hình ảnh Nữ Thần Tự Do như một biểu tượng chính trị. Song, hình ảnh được sử dụng không có yếu tố phô trương bộ ngực dù rằng áo quần mà Nữ Thần Tự Do mặc với sự nhấn mạnh đường cong.
Trong Thế chiến thứ hai, hình ảnh của ngực phụ nữ trên các tấm áp phích bắt đầu trở nên phổ biến. Tác giả cho rằng trong những thời kỳ lịch sử hỗn loạn như vậy thì sự khác biệt giới tính sinh học của nam và nữ được nhấn mạnh hơn, điều đó thể hiện qua hình ảnh cô gái ngực bự trên các tấm áp phích đứng trước mũi máy bay kêu gọi các chàng trai đứng lên bảo vệ Tổ quốc và chống lại kẻ thù.
Thời hậu chiến, điện ảnh Hollywood đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách đàn ông trên toàn thế giới nhìn về bộ ngực phụ nữ khi hình ảnh nữ diễn viên như Marilyn Monroe, Gina Lollobrigida và Jayne Mansfield ngực to tràn ngập khắp màn ảnh rộng.
Các nhà làm phim và nền công nghiệp quảng cáo nhận ra rằng bộ ngực phụ nữ không chỉ hữu dụng trong việc kích động chiến tranh và còn là nguồn thu lợi nhuận cực lớn. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc “thương mại hóa/ tình dục hóa” bộ ngực phụ nữ trên phạm vi toàn thế giới.
Hình ảnh quảng cáo với những cô gái ngực đẹp xuất hiện bên cạnh những thứ như trái cây, ô tô, cà phê, và có thể là phân bón cho nông dân, đều khiến những sản phẩm này bán chạy hơn. Điều này khiến cho ở Mỹ, sự sùng bái bộ ngực to lan rộng như ngọn lửa cháy rừng.
Cũng ở Mỹ, văn hóa tình dục hóa bộ ngực cũng bị phân cực và nhiều khi mang tính đạo đức giả. Người ta có thể thấy bình thường khi cô đào Pamela Anderson khoe trương bộ ngực đầy silicon của mình trên truyền thông, nhưng ở một số bang, thì người phụ nữ có thể bị cảnh sát bắt nếu cho con bú ở nơi công cộng.
Yalom kết luận: khi nhìn thấy ngực thì “những đứa trẻ thấy thức ăn, đàn ông thấy quan hệ tình dục, bác sĩ thấy bệnh tật và kinh doanh thấy đô la”. Ngực của phụ nữ đại diện nhiều thứ từ tình dục, tình yêu, sự nuôi dưỡng. Đáng buồn là ngực phụ nữ ngày nay cũng đại diện cho cái chết khi mà ung thư vú ở phụ nữ đang càng ngày càng gia tăng trên thế giới.
Ở Việt Nam, báo chí và truyền thông đầy rẫy tin tức về những ngôi sao trình diễn lộ ngực trên sân khấu. Báo chí tràn ngập những bài viết săm soi ngực của các nữ nghệ sĩ – nhất là ca sĩ.
Mặt khác, phụ nữ cũng chủ động thương mại hóa bộ ngực của mình. Một lựa chọn cho phụ nữ để trở nên nổi tiếng trong giới giải trí ở Việt Nam đó là thay đổi cách ăn mặc với những trang phục khoét sâu táo bạo và nhấn mạnh vùng ngực.
Điều này cho thấy việc tình dục hóa và thương mại hóa bộ ngực theo mô hình Âu – Mỹ đã ảnh hưởng phần nào ở Việt Nam tạo ra xu hướng sùng bái bộ ngực to khiến phụ nữ tự ti vì ngực nhỏ, buộc mình tìm cách tập luyện, ăn uống, phẫu thuật thẩm mỹ để ngực to ra.
Có một nghịch lý tồn tại trong xã hội hiện đại. Một mặt, người ta cho rằng việc phô bày bộ ngực phụ nữ trên truyền thông là hình thức tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ hay giải phóng tình dục nữ giới. Song trên thực tế, người ta đã tầm thường hóa bộ ngực phụ nữ với những pha lộ ngực trên truyền thông và biến ngực phụ nữ thành đối tượng chậm chọc để mua những tiếng cười nhạt nhẽo trong những bộ phim hài nhảm nhí rẻ tiền.
Người viết: Hưng Thịnh
Biên tập: Nguyễn Phúc Anh
Phát thanh viên: Trà Hoa Cúc
Âm thanh: Radio nhân học kỳ 11