Đối với Việt Nam, việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, trong đó có vốn vay ODA, là cần thiết để phát triển. Tuy vậy, nếu như những nước cần vốn có “chiến lược nợ” của mình, thì các nước giàu cũng có “chiến lược cho vay” của họ. Vì thế, để xây dựng “chiến lược nhận” một cách thích hợp, các nước nghèo không thể không tìm hiểu “chiến lược cho” của đối tác.
Trên cơ sở tham khảo những công trình nghiên cứu có tính “vạch trần” về bản chất và chiến lược ODA của Nhật Bản, do chính các học giả xứ Phù Tang thực hiện và công bố, bài viết này chỉ ra “binh pháp ODA” của họ, nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam một góc nhìn tham chiếu trước khi đưa ra quyết định.
Tiếng nói phê phán ODA của học giả Nhật
Trong ngôn ngữ ngoại giao, người ta coi ODA là biểu hiện của tình ưu ái của người cho đối với người nhận. Tuy vậy, ngay tại Nhật Bản, cũng có nhiều học giả, với tinh thần trung thực trong khoa học, đã “vạch trần” bản chất thực của chính sách ODA của chính đất nước mình.
Chẳng hạn, cuốn “Sự thật viện trợ ODA” của Sumi Kazuo, giáo sư Đại học Yokohama, là một trong những công trình như vậy. Cuốn sách này tuy dung lượng ngắn, nhưng có thể dẫn dắt người đọc lần theo đường đi nước bước của dòng chảy ODA ở những trường hợp cụ thể. Ngoài ra, tìm hiểu về ODA Nhật, không thể không đọc công trình nghiên cứu của tập thể học giả Fuke Yousuke, Fujibayashi Yasushi, Satake Youko, Moriyama Hiroshi, Nagase Riei, Miyauchi Taisuke, Ishikawa Kiyoshi. Cuốn sách của họ có tiêu đề “ODA – vì cuộc sống của người Nhật Bản”[1]. Các tác giả là những thành viên của một tổ chức học thuật phi Chính phủ: Hội Điều tra Nghiên cứu về ODA (ODA Chosa Kenkyu Kai), thành lập năm 1988.
Từ 5/1991 đến 3/1992, họ đã liên tục thuyết trình các kết quả nghiên cứu của mình về vấn đề viện trợ ODA của Nhật Bản. Sau đó, họ tiếp tục khảo cứu các tư liệu mới, đồng thời tiến hành điều tra thực địa tại các nước nhận ODA của Nhật Bản, và viết thành cuốn sách nói trên, xuất bản vào năm 1999, sau hơn 10 năm theo đuổi đề tài, với ngồn ngộn những tài liệu, số liệu, hình ảnh được xử lý và trình bày một cách khoa học.
Cuốn sách đã “vạch trần” bản chất đồng tiền ODA của Nhật, giúp chúng ta hiểu rằng, đằng sau những lời lẽ ngoại giao mỹ miều là một vũ khí kinh tế đặc biệt, mà như các tác giả khẳng định ở mục cuối của cuốn sách: Ngày xưa chúng ta dùng chiến tranh, ngày nay chúng ta dùng ODA[2].
Ngay cả Đài Truyền hình Trung ương Nhật Bản NHK cũng từng có chương trình phát sóng điều tra về sự thật ODA, trong đó, tập trung vào những dự án ODA điển hình của tinh thần “vì Nhật Bản”. Nhìn chung, từ những nghiên cứu như vậy mà tiếng nói đề xuất cải cách chính sách ODA ngày càng mạnh mẽ ở Nhật Bản. Dưới đây xin giới thiệu cụ thể hơn góc nhìn của họ về ODA Nhật Bản.
“Ngày xưa: chiến tranh, ngày nay: ODA”
Để hiểu bản chất của đồng ODA Nhật Bản ngày hôm nay, ở thế kỷ 21 này, các tác giả của sách “ODA vì cuộc sống của người Nhật Bản” dẫn chúng ta quay ngược về quá trình hình thành và diễn biến của chiến lược ODA của đất nước họ. Chiến lược ODA của Nhật Bản được xây dựng cùng với việc phải tuân thủ hiệp ước San Francisco 1951, theo đó Nhật phải bồi thường chiến tranh cho một số nước châu Á. Họ đã khôn khéo làm cho những đồng tiền “bồi thường” ấy quay trở về phục vụ lại cho chính họ.
Ví dụ, Nhật đã “bồi thường chiến tranh” cho Indonesia như thế nào? Trong quá trình đàm phán bồi thường, họ đã khôn khéo lồng vào ý sau đây trong điều khoản: “Nhật Bản sẽ cung cấp cho Indonesia các dịch vụ và sản phẩm của Nhật Bản trị giá tương đương 80,3 tỷ Yên” [3]
Kết quả, Nhật Bản “bồi thường” cho Indonesia bằng cách xây dựng… những khu khách sạn cao cấp, những tòa căn hộ sang trọng, những khu mua sắm đắt tiền, những nhà máy sản xuất giấy, vải, gỗ… Những thứ này, nói như các tác giả của sách, “không thể hiểu nổi sao có thể gọi đó là bồi thường chiến tranh”. Bởi một mặt, những thứ này không phải “bồi thường” cho nhân dân Indonesia, và mặt khác, chúng đã làm rất nhiều nhà máy sản xuất giấy và ván ép non yếu của Indonesia phá sản4.
Để có thể “bồi thường” như vậy, chắc chắn không thể không nhờ đến cả những đàm phán sau cánh cửa.
Họ đã chuyển hóa sự “bồi thường” cho nạn nhân thành cái chính mình hưởng lợi, còn nạn nhân thì không được gì, hoặc được rất ít không như công bố, thậm chí bị thiệt hại nặng hơn trước. Cùng sự sự phục hưng kinh tế của Nhật sau chiến tranh, chiến lược ODA cũng được thực thi mạnh mẽ theo nguyên tắc nói trên. Những quốc gia “ngây thơ”, vô tình hoặc cố ý, bắt đầu một cuộc đua tài trí tuệ không cân sức với Nhật Bản.
Xin điểm qua một vài trường hợp điển hình.
Từ những năm 70, do các quốc gia ven biển bắt đầu được nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, các công ty đánh bắt hải sản của Nhật bắt đầu bị hạn chế đánh bắt ở những ngư trường giàu có của nước cộng hòa Kiribati thuộc trung tây Thái Bình Dương. Hàn Quốc thì trả tiền cho Kiribati để được tiếp tục đánh bắt. Nhật thì triển khai một chiến lược khác. Họ đề xuất cho Kiribati cái gọi là “Viện trợ không hoàn lại trong lĩnh vực thủy sản”, tặng cho nước này mấy chiếc tàu đánh cá và kho bảo quản hiện đại, và rồi khai thác hải sản của Kiribati với giá rẻ. [5]
Giáo sư Sumi Kazuo trong sách “Sự thật của viện trợ ODA”, cũng chỉ ra rằng, giữa những năm 70, ngành sản xuất nhôm của Nhật bắt đầu gặp khó khăn, chính phủ Nhật lập tức xây dựng dự án viện trợ ODA cho Indonesia trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu sản xuất nhôm trên đảo Sumatra. Mục đích của nó không chỉ là “hợp tác quốc tế”, mà còn là, như chính họ nói, nhằm “đầu tư để xác lập thế trận bảo vệ có tính chiến lược đối với nguyên liệu nhôm của đất nước chúng ta” [6].
Cùng với sự phục hưng kinh tế Nhật sau chiến tranh, “nền sản xuất số lượng lớn” và “xã hội tiêu thụ với số lượng lớn” sẽ không thể đứng vững nến không có một quá trình “tiêu hủy rác thải số lượng lớn”. Và vì thế, viện trợ của Nhật cho Indonesia liên quan đến rác cũng được đưa vào cỗ máy ODA này. “Ở Indonesia, một hệ thống xử lý rác thải tương thích với thực tiễn của Indonesia đã không hề được xây dựng, mà thay vào đó, những cơ sở “hiện đại hóa” thu gom rác quy mô lớn đã được xây dựng bằng ODA. Indonesia đã chăm sóc một lượng rác lớn của người Nhật” [7]
“Binh pháp” nào đã giúp Nhật thực hiện thành công những điều trên? Đó là cả một “thế trận” được sắp xếp một cách bài bản. Để tồn tại trước thế lực này, Việt Nam cần có một thế trận bài bản tương ứng.
“Binh pháp” của ODA Nhật Bản
Những nghiên cứu nói trên tuân thủ nguyên tắc thực chứng luận vốn có ảnh hưởng sâu đậm trong khoa học xã hội Nhật Bản, vạch trần bản chất của vấn đề thông qua việc phân tích các chuỗi sự kiện, mà không kèm theo bình luận chủ quan nào.
Thông qua những gì họ trình bày, người đọc dễ dàng nhìn thấy một thế trận chặt chẽ và bài bản để vận hành cỗ máy ODA ấy. “Binh pháp ODA” bao gồm cái cấu trúc này và sự vận hành của nó. Ở đây sẽ trình bày về “binh pháp” này và minh họa bằng một ví dụ cụ thể.
Thành tố đầu tiên trong binh pháp ODA Nhật là các Hiệp hội nghề nghiệp.
Các Hội nghề nghiệp của Nhật vận hành theo nguyên tắc của một xã hội dân sự, không bị can thiệp bởi chính quyền.
Những người trong cùng một ngành nghề, theo quy luật thị trường, sẽ phải cạnh tranh với nhau để sống còn. Nhưng ở Nhật Bản, văn hóa hiệp hội phát huy hiệu quả cao đến mức, quy luật này vận hành một cách khác thường.
Trong phạm vi hiệp hội, các thành viên coi cạnh tranh không phải là một hình thức tiêu diệt lẫn nhau, ngược lại, “cạnh tranh” là một hình thức của… “hợp tác”, thúc đẩy tinh thần thi đua và thử sức để cùng vươn lên.
Khi đối diện với người nước ngoài, chủ nghĩa ái quốc trong kinh tế được phát huy cao độ. Các thành viên sẽ hợp tác với nhau, gác qua cạnh tranh nội bộ, cùng nhau “sống còn” với đối thủ. Đó là cách họ bước ra thế giới từ hơn một thế kỷ nay.
Chính các tổ chức nghề nghiệp chứ không phải ai khác, là lực lượng đầu tiên đề xuất cho chính phủ của họ các dự án ODA cho các quốc gia bị họ xem là “con mồi”.
Thành tố thứ hai là tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản).
Giáo sư Sumi Kazuo ở Đại học Yokohama, trong sách “Sự thật của viện trợ ODA”, đã phân tích về bản chất của JICA như sau.
“Nhìn chung, có thể xem JICA là cơ quan thực hiện viện trợ không hoàn lại về mặt kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển. Quả thực, các hoạt động của JICA cũng có hướng đến những hoạt động kiểu như vậy. Tuy nhiên, ngoài chức năng ấy, JICA còn thực hiện cả các dịch vụ hỗ trợ cho các công ty Nhật. Nguồn tài chính được dùng thực hiện điều này là “Vốn đầu tư phát triển”. Việc JICA cho các công ty Nhật vay dài hạn với lãi suất thấp và điều kiện cực mềm, trong khuôn khổ “Vốn đầu tư phát triển”, là điều còn ít được biết đến” [8]
“Vốn đầu tư phát triển” của JICA có hai loại. Một loại cho vay liên quan đến chuẩn bị cơ sở vật chất, và loại kia cho vay phục vụ cho “những công việc liên quan đến thí nghiệm”, là loại tiền xuất ra để “vừa bảo hiểm nợ vừa cho vay liên quan đến những sự nghiệp có tính tiên phong và khó khăn” như “thực hiện việc cải tiến kỹ thuật của doanh nghiệp”. [9]
Trong trường hợp doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài, với danh nghĩa “cao cả” là cơ quan thúc đẩy “hợp tác” và “phát triển” có tính “quốc tế”, JICA sẽ sử dụng loại vốn thứ 2 để đảm nhiệm vai trò phát hiện mục tiêu, nghiên cứu và đề xuất các dự án cho vay ưu đãi ODA đối với quốc gia “mục tiêu”, chuẩn bị về mặt tri thức và quan hệ cho các doanh nghiệp Nhật.
Các dự án cho vay ODA được điểm qua ở trên đều do JICA đảm nhiệm khâu đầu tiên: nghiên cứu, viết dự án, thuyết phục nước sở tại, vận động hành lang… nhằm đạt đến mục đích cho họ vay ODA.
Mấu chốt của binh pháp ODA nằm ở quá trình thuyết phục con mồi. Như phân tích của giáo sư Sumi Kazuo, họ tạo ra và duy trì một “nhu cầu viện trợ giả tạo” [10], hướng đến “lợi nhuận cho doanh nghiệp Nhật” [11] và “đưa ô nhiễm của Nhật ra nước ngoài” [12]
Thành tố thứ ba là Chính phủ. Chính phủ đảm đương công việc kết nối tất cả các đầu mối trong nước và quốc tế, đảm bảo sự vận hành thông suốt của guồng máy ODA.
Ta hãy thử hình dung cách vận hành của “thế trận” nói trên trong một “trận đánh” cụ thể của họ.
Sách “ODA vì cuộc sống của người Nhật Bản” đã trình bày diễn biến và kết quả của dự án ODA trồng rừng ở đông bắc Thái Lan từ 4/1992 đến 3/1997. Dự án này được đặt tên là “Hợp tác quốc tế vì màu xanh”, nhưng kết quả cuối cùng là biến vùng đông bắc Thái Lan thành vùng cung cấp… gỗ bạch đàn sản xuất giấy cho Nhật Bản.
Khảo sát diễn biến của “trận đánh” này, ta sẽ thấy rõ cách thức hoạt động của “thế trận” bộ ba “Chính phủ – JICA – Giới tư bản” trong quá trình vận hành của một dự án ODA.
Câu chuyện bắt đầu từ nhu cầu của Nhật Bản. Người Nhật tiêu thụ giấy thứ 4 thế giới (trung bình một người 245 kg/1 năm), ngành công nghiệp giấy của Nhật sản xuất 3000 vạn tấn giấy/ năm (số liệu năm 1996). Tuy vậy, từ những năm 80, khi chính sách bảo vệ môi trường được xiết chặt, các doanh nghiệp giấy Nhật bắt đầu tăng cường mua gỗ bạch đàn ở nước ngoài, đặc biệt là của Thái Lan.
Và vì thế, một dự án ODA được vạch ra để giới tư bản giấy Nhật có thể khai thác tài nguyên gỗ của Thái Lan với giá rẻ.
JICA lập tức xuất hiện. “Báo cáo nghiên cứu về kế hoạch trồng rừng vùng đông bắc Thái Lan” ra đời năm 1992. Báo cáo mở đầu bằng những lời tốt đẹp:
“Ở Thái Lan, 20 năm trở lại đây, dân số tăng nhanh, đất nông nghiệp được mở rộng, nhu cầu gỗ phát triển, cho nên vùng đông bắc Thái tỷ lệ che phủ rừng năm 1961 là 40% thì nay giảm còn 14%” [13]
Trên cơ sở đó, JICA đề xuất một kế hoạch trồng rừng cho vùng đông bắc Thái. Chính phủ Thái đồng ý về mặt chủ trương và yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện. JICA liền đề xuất một kế hoạch trồng rừng mà tên gọi thì hết sức tốt đẹp, “Hợp tác quốc tế vì màu xanh”, nhưng người Thái chỉ nhận ra cái bẫy của nó sau khi dự án được triển khai 7 năm, khi mà không còn có thể tưởng tượng rằng vùng đông bắc Thái từng là “vương quốc của rừng” nữa.
Kế hoạch JICA đề xuất với Thái Lan gồm 3 việc:
– Viện trợ không hoàn lại 3 tỷ Yên xây dựng 4 trung tâm trồng cây giống, cây non quy mô lớn, xây dựng các cơ sở huấn luyện, cung cấp xe cộ và các phương tiện cần thiết khác.
– Gửi đến Thái Lan các chuyên gia lâm nghiệp của Nhật để huấn luyện sản xuất cây giống và chỉ đạo việc trồng rừng.
– Phái đến “Đoàn thanh niên Hợp tác Quốc tế” của Nhật Bản để “khai sáng” cho nông dân Thái ý thức về tầm quan trọng của rừng và việc trồng rừng (“Khai sáng” là từ họ dùng trong nguyên văn)
Không rõ những thanh niên Nhật Bản kia đã “khai sáng” cho nông dân Thái Lan điều gì, nhưng nông dân Thái chỉ thích trồng bạch đàn vì đó là “loại cây biến thành tiền”, và không rõ 4 trung tâm sản xuất cây giống kia tạo ra loại cây gì, nhưng từ 1992 đến 1995, một trăm triệu cây giống được phát miễn phí cho nông dân Thái Lan để họ tự trồng rừng, và trong đó, hầu hết là cây bạch đàn để sản xuất giấy.
Khi cả một vùng đông bắc trồng bạch đàn, thì một mặt, giá bạch đàn ở đây sẽ vô cùng rẻ, và mặt khác, nguồn nước và nguồn dinh dưỡng của đất bị hủy hoại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc nông dân được phát miễn phí cây giống bạch đàn với số lượng khổng lồ, là loại cây có lợi ích kinh tế trước mắt, đã làm cho diện tích rừng bạch đàn tăng vọt và diện tích rừng tự nhiên trước đó bị hủy hoại. Cái gọi là “hợp tác quốc tế” và “trồng rừng để bảo vệ thiên nhiên” chỉ là trò đùa. Hầu hết số tài sản 3 tỷ Yên của dự án đều phục vụ ngược lại cho Nhật Bản. Kết cục, dự án bị nhân sĩ Bangkok phản đối kịch liệt.
Nếu ví dự án ODA này là một cái bẫy thì cái lẫy then chốt của bẫy này là việc phát không cây giống cho nông dân tự trồng “rừng”. Thuyết minh cho chủ trương này, JICA đưa ra những lập luận tốt đẹp. Nông dân Thái Lan cũng đã trồng rừng một cách tự phát, vừa để bảo vệ môi trường vừa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Vậy, có thể tận dụng điều này để thực hiện 2 việc một lúc: bảo vệ thiên nhiên và xóa đói giảm nghèo cho vùng đông bắc Thái [14] Làm sao chính phủ Thái có thể từ chối một lời đề nghị như thế?
Mưu kế này của JICA làm người ta nhớ lại những câu chuyện đấu trí được kể trong “Chiến quốc sách” ở bên Tàu.
Ở “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” của John Perkins, người đọc không hiểu vì sao một cá nhân như ông lại có thể làm được một khối lượng công việc khổng lồ là lần lượt thuyết phục các chính phủ Châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á, Trung Đông lao theo những dự án giả dối nhằm phục vụ lợi ích tư bản Mỹ. Nhưng, ở trường hợp Nhật Bản lại hết sức dễ hiểu: thực hiện điều này không phải là một cá nhân mà là cả một bộ máy trong đó có những tổ chức đóng vai trò xung kích.
Biện hộ cho ODA Nhật Bản
Dĩ nhiên, bản thân các học giả Nhật Bản khi phê phán chiến lược cho vay ODA thì cũng không có ý định phủ định sạch trơn mặt tích cực của nó. Không có gì là tiêu cực hoàn toàn. Chúng ta có thể liệt kê, trên bề mặt hiện tượng, vô số những lợi ích mà các dự án ODA mang lại. Ở Nhật Bản, có vô số sách vở ca ngợi ODA của Nhật là một “cống hiến” của dân tộc họ đối với thế giới.
Trong một cuốn sách biện hộ cho ODA Nhật, xuất bản năm 2003, Miura Yuuji, một trong những chuyên gia của JETRO (Hội Chấn hưng Ngoại thương Nhật Bản) và Watanabe Toshio, một giáo sư của Đại học Công nghiệp Tokyo, một mặt thừa nhận rằng, vào cuối những năm 50, vì khả năng cạnh tranh quốc tế của các công ty Nhật Bản còn yếu, cho nên “việc dùng ODA như một hình thức bảo hộ lợi nhuận của các công ty Nhật là sự biểu lộ rõ ràng của ý thức quốc gia” [15], nhưng mặt khác, theo hai tác giả, nếu tiếp tục nhìn bằng con mắt ấy trong bối cảnh “xã hội có tính quốc tế” hiện nay là sai, bởi vì ngày nay, “lực lượng xây dựng các dự án ODA rất đa dạng, không chỉ có các công ty Nhật mà còn có cả chính phủ nước được viện trợ, ngân hàng, JICA, các tổ chức và quốc gia tài trợ khác, thậm chí cả các công ty tư vấn không thuộc Nhật Bản cùng tham gia” [16].
Như vậy, cứ theo hai học giả trên thì có thể hiểu rằng, ngày nay ODA Nhật không còn là “ODA vì Nhật Bản” nữa mà đã thực sự là ODA “cao thượng”. Tuy vậy, cũng cần nói rằng, “sự đa dạng” ở trên thực chất không nói lên điều gì. Sự thật nằm ở kết quả cuối cùng mà những dự án đó đạt tới.
Có lẽ, nếu tranh cãi xem bên “phê phán” và bên “biện hộ”, bên nào đúng, bên nào sai, thì cuộc tranh cãi sẽ không bao giờ kết thúc. Vì dường như cả hai bên đều có mặt đúng của mình.
Viện trợ ODA của các nước giàu cho các nước đang phát triển như Việt Nam trở nên tốt hay không tốt, thì có lẽ, phụ thuộc vào phương thức tiếp nhận của phía chúng ta hơn là phụ thuộc vào người cho.
Vì vậy, Việt Nam không thể không xem xét hệ thống vận hành của ODA Nhật, để từ đó, nhìn lại lề lối suy nghĩ, “thế trận” và quá trình ra quyết định của chính mình. Nhìn từ góc độ này thì phải chăng, chúng ta đang tổ chức một “thế trận” hoàn toàn không tương thích với “thế trận” của đối phương/ đối tác?
1福家洋介、藤林泰、佐竹庸子、森山弘志、長瀬理英、宮内泰介、石川清「日本人の暮らしのためだったODA」、コモンズ、1999
(Fuke Yousuke, Fujibayashi Yasushi, Satake Youko, Moriyama Hiroshi, Nagase Riei, Miyauchi Taisuke, Ishikawa Kiyoshi, “ODA – vì cuộc sống của người Nhật Bản”, NXB Komonzu, 1999)
2 Như trên, p. 215 – 219
3 Như trên, p. 206
4 Như trên, p. 207 – 208
5 Như trên, chương 2
6 鷲見一夫、「ODA 援助の現実」、岩波書店、1989, p. 170
(Sumi Kazuo, Sự thật của viện trợ ODA, Iwanami shoten, 1989, p. 170)
7 “ODA vì cuộc sống của người Nhật Bản”, Sđd, p. 4
8 “Sự thật của viện trợ ODA”, Sđd, p.168 – 169
9 Như trên, p. 169
10 Như trên, p. 137 – p. 147
11 Như trên, p. 148 – 158
12 Như trên, p. 158 – 167
13 Dẫn theo: “ODA – vì cuộc sống của người Nhật Bản”, Sđd, p. 13
14 Như trên, p. 14
15 三浦有史、渡辺利夫、「ODA – 日本に何ができるか」, 中公新書、2003, 107-108 頁
(Miura Yuuji, Watanabe Tosio, “(Tạm dịch) ODA – có thể làm gì với tư cách là Nhật Bản”, Chuko Shinsho, 2003, 107-108 p)
16 Như trên, 109 p
— Nguyễn Lương Hải Khôi (Tokyo). Nguồn Việt Study.