Cuộc đời cũng như những con đường, sau một chặng lại gặp một ngã ba. Rẽ phải hay rẽ trái, sẽ dẫn đến những cuộc đời khác nhau. Không ai muốn là cánh bèo, để trông chờ vào sự may rủi của số phận. Nhưng rẽ ngả nào tốt hơn thì lại không chắc!
Tôi biết nhiều người học giỏi, thông minh nhưng thất bại. Ai cũng cho rằng họ không gặp may. Nhưng rất có thể họ đã không thực sự sáng suốt. Ở một ngã ba nào đó trong cuộc đời, họ đã rẽ vào ngả không nên rẽ. Rồi họ cũng không đủ tỉnh táo để quay lại. Cuối cùng chỉ còn biết than thân trách phận.
Tôi cũng biết nhiều công ty, bắt đầu rất tốt, sau đó cứ kém dần, rồi biến mất. Nhiều người suy đoán nguyên nhân này kia. Nhưng có thể, chỉ đơn giản là, ở một ngã ba nào đó trong con đường phát triển, họ đã lựa chọn sai công nghệ, hoặc chọn sai đối tác, hay chọn sai sản phẩm. Thất bại của họ không phải vì đội ngũ chuyên gia yếu kém, mà vì lãnh đạo đã lựa chọn sai chiến lược.
Làm sao để sáng suốt lựa chọn là một câu hỏi không dễ trả lời. Tôi chỉ xin chia sẻ, góc nhìn cá nhân, những nội dung liên quan đến chủ đề này.
1. Người trong cuộc thường không sáng suốt.
Giả sử bạn mắc kẹt trong dòng người tham gia giao thông đang bị ùn tắc. Bạn không biết nên chờ đợi, hay rẽ phải, hoặc rẽ trái, hay quay lại là tốt nhất… Nhưng nếu bạn có thể quan sát sự ùn tắc giao thông từ trên trực thăng ở độ cao khoảng 100 mét, bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định đúng đắn. Chỉ khi đứng ngoài sự ùn tắc, bạn mới có thể quan sát được sự ùn tắc và ra được quyết định sáng suốt. Dân gian có câu “Cờ ngoài bài trong” chính là ý đó. Thông minh phụ thuộc vào trí tuệ của chính bạn, còn sự sáng suốt đôi khi lại phụ thuộc khá nhiều vào chỗ bạn đứng. Đứng chỗ này thì nhìn thấy, đứng chỗ khác thì bị che khuất.
Muốn sáng suốt là phải đứng ngoài. Tôi biết nhiều lãnh đạo việc gì cũng xen vào: vừa để xuất, vừa tranh luận, vừa là người đưa ra quyết định cuối cùng. Rất ít cơ sở để tin rằng, một lãnh đạo hành động như thế sẽ sáng suốt lựa chọn được quyết định tốt nhất. Không phải vô cớ mà trong tòa án, người ta chỉ cho phép các luật sư và công tố viên được quyền tranh luận, quan tòa và bồi thẩm đoàn chỉ ngồi nghe. Họ là những người phải đưa ra phán quyết. Họ cần đứng ngoài các cuộc tranh luận để có sự sáng suốt.
2. Cảm xúc mạnh thường làm mất đi sự sáng suốt.
Để có quyết định sáng suốt thì sự bình tĩnh còn quan trọng hơn cả sự thông minh. Nôn nóng, bực tức luôn giúp chúng ta ra những quyết định ngu ngốc nhất. Với những vấn đề quan trọng, đừng vội quyết định khi vẫn còn thời gian; cũng giống như khi thi đại học, đừng vội nộp bài khi thời gian chưa hết. Ngay cả khi tình hình rất khẩn trương, muốn ra được quyết định sáng suốt cũng cần sự bình tĩnh.
Khi tức giận, lúc đau khổ, hoặc khi đang cao hứng… bạn có thể làm bất cứ việc gì, trừ việc ra quyết định.
3. Lòng tham làm mất đi sự sáng suốt.
Ai cũng biết câu thành ngữ “Trăm cái dại, tại cái tham”. Ai cũng từng nghe câu “Thấy lợi tối mắt”. Nhưng biết là một chuyện, còn từ bỏ được lòng tham là chuyện rất khó.
Những người bị lừa đều có chung một nguyên nhân cơ bản nhất là lòng tham. Người ta đã ngạc nhiên vì sao, một cán bộ ngân hàng nhỏ nhoi như Huyền Như có thể lừa được bao nhiêu cao thủ tài chính ngân hàng nhiều nghìn tỷ đồng! Đơn giản chỉ cần chiêu “lãi suất cao”.
Hôm trưóc nói chuyện với mấy bạn trẻ về chủ đề “chọn việc”. Tôi hỏi, các bạn định chọn nghề theo tiêu chí nào. Hầu hết, tiêu chí “lương cao” được mọi người ưu tiên. Tôi nói, nếu nhà bạn rất nghèo, cần gấp tiền để trả nợ hay giúp đỡ bố mẹ, thì có thể chấp nhận cách lựa chọn này. Tôi chỉ cảnh báo, tiêu chí này có thể loại đi những cơ hội công việc tốt hơn, mà ở đó có thể học hỏi nhiều hơn, network tốt hơn và về lâu dài sẽ mang lại thành công to lớn hơn.
4. Ngộ nhận phổ biến nhất: người thông minh thường sáng suốt.
Những người thông minh, phần nhiều thích tranh luận. Họ luôn ở trung tâm của sự kiện. Vì thế họ thường mất đi sự sáng suốt.
Một người thông minh có thể làm tốt vai trò một chuyên gia hoặc cố vấn. Đến một ngã ba nào đó, họ có thể sử dụng sự thông minh để phân tích rõ ràng, rẽ phải thì tốt xấu thế này, rẽ trái thì lợi hại thế kia. Nhưng cuối cùng cần phải chọn “rẽ phải” hay “rẽ trái” thì họ lại lúng túng. Bởi vì, lựa chọn quyết định không đòi hỏi sự thông minh mà đòi hỏi sự sáng suốt. Trong ngôn ngữ Việt Nam, bổ ngữ cho động từ “lựa chọn” là “sáng suốt lựa chọn” chứ không phải là “thông minh lựa chọn”.
Nếu bạn đọc truyện Tam quốc, chắc thường gặp những đoạn văn như thế này “Tôi có ba mẹo này, xin chúa công hãy lựa chọn”. Đó là cách nói của một quân sư khi hiến mưu kế cho chủ soái. Hình ảnh của các quân sư luôn là những người cực kỳ thông minh, nhưng tại sao họ vẫn chịu nép mình phục vụ các chủ soái với hình ảnh kém hơn họ rất nhiều? Các sách đều giải thích là vì các chủ soái đều có chân mệnh minh chủ. Tôi không mấy tin vào cách giải thích này. Tôi cho rằng, một người có thể thu nạp những nhân tài dưới trướng chắc chắn không phải người tầm thường và phẩm chất cao nhất của họ chính là sự sáng suốt.
Tất nhiên có những người tin rằng, họ vừa thông minh vừa sáng suốt. Họ vừa là quân sư, vừa là chủ soái. Trong lịch sử Tầu, Hàn Tín Sở Vương là một người như thế. Đánh nhau thì không ai giỏi hơn ông, nhưng cuối cùng ông vẫn bị chết về tay Lưu Bang vì đã không đủ sáng suốt, khi nghĩ rằng Lưu Bang sẽ không dám giết ông.
Thông minh phần nhiều do bẩm sinh mà có. Sáng suốt do ý thức mà ra. Cả hai phẩm chất này đều đáng quý. Nhưng theo tôi, sáng suốt quan trọng hơn.
Hi vọng, bài viết này giúp bạn sáng suốt hơn và tới mỗi ngã ba của đường đời, các bạn sẽ chọn đúng ngã đường nên rẽ.
— Hoàng Minh Châu