PHẦN 2: CÂU CHUYỆN VỀ “MÙA XUÂN Ả RẬP”, VÌ SAO SYRIA NỘI CHIẾN?

Nhắc lại phần 1:

  • Điểm 1: Sự hình thành của nhà nước Israel, và nguồn gốc của 3 tôn giáo đang gây điên đảo thế gian hôm nay, mà các bạn được nghe trên tivi mỗi ngày.
  • Điểm 2: Những quốc gia của “Mùa xuân Ả Rập”, hay cụ thể là Syria, là được hình thành từ sau năm 1918, theo bản đồ phân chia quyền lợi của Anh và Pháp khi đánh đổ được đế chế hồi giáo Ottoman. 
  • Điểm 3: Khói lửa bom đạn hôm nay tại Trung Đông không đơn thuần chỉ là giải quyết bài toán về Dầu Mỏ – tức là an ninh năng lượng của thế kỷ XX. Mà mâu thuẫn giữa các nước Hồi Giáo và Châu Âu là mâu thuẫn tính bằng thiên niên kỷ về về ý thức tôn giáo khác biệt, về những cuộc chiến tranh xâm lăng của Hồi Giáo đánh vào lòng Châu Âu, và về những cuộc thập tự chinh của Châu Âu đi vào lòng Hồi Giáo suốt mấy nghìn năm qua. 

Mục lục:
Phần 1: Nguồn gốc sâu xa mâu thuẫn Trung Đông
Phần 1.1: Tôn giáo – Sự ra đời của mâu thuẫn
Phần 1.2: Đế chế Ottoman
Phần 2: Mùa xuân Ả Rập và Nội chiến Syria
Phần 2.1: Mùa xuân Ả Rập
Phần 2.2: Nội chiến Syria
Phần 3: Nhà nước Hồi giáo IS
Phần 3.1: Đế chế mạnh nhất thế giới
Phần 3.2: Đế chế diệt vong và chuyện IS


Mùa xuân Ả Rập
Khi lịch sử đã tìm thấy cho bạn căn nguyên vấn đề, bây giờ, chúng ta sẽ đi đến với câu chuyện mà tất cả đều đang quan tâm: NỘI CHIẾN SYRIA. Cuộc chiến này được sinh ra từ đâu? Tất cả bắt đầu từ…

1. MÙA XUÂN Ả RẬP

Vào một ngày của tháng 12 của năm 2010. Một ngày cũng như mọi ngày khác của người bán hàng rong tên là Mohamed Bouazizi. Anh đang bán rau trên đường phố Sidi Bouzid ở Tunisia. Nhưng hôm đó, anh bị thanh tra cảnh sát đòi tịch thu chiếc xe bán hàng rong vì cấm bán hàng rong. Để có thể giữ được chiếc xe, anh phải đóng khoản tiền hối lộ 7 đô la cho một thanh tra của chính quyền. Mohamed Bouazizi phải nuôi mẹ, năm người em và một người cậu đang ốm. Trong khi 7 đô la là thu nhập của cả một ngày. Phẫn uất bị thu xe bán hàng, Bouazizi đã phản đối và bị một nữ cảnh sát tát vào mặt. Phẫn uất, nhục nhã, và ở trong thế đường cùng, người đàn ông đó đã đến trước tòa nhà thị chính để đòi công bằng. Nếu không được giải quyết, anh sẽ tự thiêu để phản đối. Chính quyền đã mặc kệ anh. Và kết quả, ngọn đuốc sống Bouazizi đã cháy lên.

Mohamed BouaziziMohamed Bouazizi
Hình ảnh bi phẫn đó đã khiến người dân Tunisia bị o ép lâu nay không chịu nổi, dẫn tới một loạt cuộc biểu tình ở Tunisia. Được hà hơi và giúp sức bởi tầng lớp cánh tả chán ngán chính quyền. Bởi hững thành phần trí thức luôn có tư tưởng cấp tiến trước một chế độ độc tài và tồn tại quá lâu nếu không thay đổi. Cuộc biểu tình rộng lớn đã khiến cho tổng thống Zine El Abidine Ben Ali – người cầm quyền Tunisia suốt 22 năm qua phải bỏ chạy chỉ sau … 2 tuần. Cơn địa chấn cũng nhanh chóng lan ra các nước bên cạnh, tạo nên làn sóng được mang tên “Mùa xuân Ả Rập”.

Sự thành công của Tunisia đã lan sang các quốc gia láng giềng bên cạnh, đó là Algeria, Jordan, Ai Cập và Yemen. Tổng thống Mubarak, người đã cai trị Ai Cập trong 30 năm qua, nhanh chóng bị lật đổ. Tổng thống Yemen, Ali Abdullah Saleh, sau 32 năm cầm quyền cũng xin từ chức để được miễn tội. Danh nhân văn hóa dân tộc Nguyễn Trãi từng có câu thơ: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân như nước – đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân). Giờ đây, bạn có thể thấy được qua câu chuyện ở Trung Đông.

Nhưng khi biểu tình đi đến Lybia, thì gặp khó. Bởi đại tá Gaddafi không chịu từ chức. Đại tá Gadhafi – một người đi lên từ nỗ lực và tạo nên đất nước Lybia hiện đại, có thừa sự dũng mãnh để đưa quân đội đến trấn áp cuộc nổi dậy và tuyên bố trên truyền hình rằng ông sẽ truy đuổi những người chống đối như những con chuột. 

Kết quả: Lybia xảy ra tình trạng nội chiến như ở Syria giữa quân nổi dậy và quân chính phủ.

Ngay khi thấy nội chiến xảy ra, Mỹ và phương Tây lập tức can thiệp. 15 quốc gia phương Tây đã thành lập liên minh, đem không quân và hải quân tới thực thi khu vực cấm bay và phong tỏa hải quân nước này. NATO, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Mỹ, Pháp, Ý, đã tiến hành không kích vào lực lượng của ông Gadhafi để hỗ trợ quân nổi dậy. Kết quả: Gadhafi nhanh chóng bị “quật đổ”, bị kéo lên từ ống cống, và nhận đủ sự lăng trì của những kẻ mà trước đó còn gọi ông là người cha tinh thần. Lybia bị đánh sụp. 

Đến lượt Syria, cũng như Gadhafi, ông Bashar al-Assad, Tổng thống Syria không dễ dàng trốn chạy như 3 vị đồng cấp ở Ai Cập, Yemen, Tunisia. Một loạt vụ đàn áp biểu tình của quân đội chính phủ đã xảy ra tại Syria để thiết lập trật tự. Mỹ và phương Tây phản đối, lại chuẩn bị lực lượng tấn công Syria như đã làm với Lybia. Dừng tại đây. Bạn thấy rồi đấy. Những gì bạn thấy ở Syria trên tivi bây giờ, thì khi xuất phát điểm, nó cũng giống y như ở Ai Cập, và đáng lẽ cũng sẽ y như Lybia với cảnh Assad bị lật đổ bởi không kích của NATO. Nhưng không, Nga đã tới, và mọi thứ không còn như ở Lybia nữa. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga đang bán vũ khí cho Syria. Tại Liên Hợp Quốc, không như ở Lybia, lần này Nga và Trung Quốc đã phủ quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria (viết đến đây tôi thấy thương cho mấy nước nhỏ quá). Vì đã bị phủ quyết, nên Mỹ không thể công khai đánh Syria được (đó là lý do hôm 14/4 khi Trump bắn tên lửa ầm ầm, dân tình hoảng sợ về chiến tranh thế giới thứ 3 đấy), do vậy, phía Mỹ và NATO chuyển sang ủng hộ quân nổi dậy về vũ khí, đạn dược, CIA và chuyên gia quân sự. Vậy là nội chiến leo thang. Cùng thời điểm này, IS đã xuất hiện. Sự xuất hiện của IS lại tạo cớ cho Nga đưa quân vào Syria với mục đích bên ngoài là tiêu diệt IS, nhưng bên trong là bảo vệ chính quyền của ông Bashar al-Assad. Bàn cờ của Syria trở nên phức tạp và không ai chịu nhượng bộ.

Vì sao không ai nhượng bộ ai? Tôi sẽ nói ở phần sau. 

Bây giờ, hãy tổng kết những gì còn lại của “Mùa xuân Ả Rập.”

  • Trước khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: Tunisia là đất nước có tỉ lệ đói nghèo là 2%, hợp pháp hóa nạo thai, giáo dục đứng thứ 17, và quyền phụ nữ sánh ngang với các nước Châu Âu.
  • Sau khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: Phụ nữ quay trở lại thế kỷ XV về quyền của bản thân, kinh tế èo uột. Và chính trị lâm vào bế tắc.
  • Trước khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: Ai Cập tĩnh lặng như Kim Tự Tháp, du lịch phát triển và người dân sống bên sông Nile.
  • Sau khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: Ai Cập cứ 1 năm 6 tháng thay 1 tổng thống, biểu tình xảy ra khắp nơi. Và nữ phóng viên Châu Âu bị hiếp dâm đều đều nếu cứ lang thang vào đó đưa tin.
  • Trước khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: Nếu Việt Nam vừa đòi đóng thuế cho nhà trên 700 triệu, thì xin thưa tổng thống Gaddafi hồi còn tại vị đã đưa ra sắc lệnh “có nhà ở được coi là một quyền tự nhiên của con người và được chính phủ cấp miễn phí.” Nhắc lại, cấp miễn phí. Người dân Libya được dùng điện miễn phí. Xăng thì chỉ có giá 0,14 USD/lít. Thủ tướng Ý hôn tay Gaddafi và “Xin lỗi vì đã đô hộ, tôi đền bù 2 tỷ đô cho Lybia” (Pháp sao không làm vậy với Việt Nam đi).
  • Sau khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: Gaddafi hiện lên là tên dâm đãng và khát máu, đất nước vô chính phủ trong một thời gian dài. Mọi công lao của ông bị phủ nhận sạch trơn. Trong khi đó, Sakozy, cái tay tổng thống Pháp đi đầu trong việc không kích Lybia, chính là người đã được Gaddafi cho tiền để tranh cử cách đó 5 năm (Mới bị khui và bị bắt gần đây). Than ôi, nhân tình thế thái!
  • Trước khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: Syria bình an và Damacus luôn là điểm đến đẹp đẽ của một chứng nhân về vương quốc hồi giáo từng thống trị thế giới.
  • Sau khi “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra: IS được sinh ra tại Syria, nội chiến bùng nổ và lâu lâu lại lo lắng về việc không biết có chiến tranh thế giới hay không? Hàng ngàn người chết, và hàng triệu dân thường chạy nạn sang châu Âu, đi cùng vài ba anh bỏ bom ở Paris và Berlin.

“Mùa xuân Ả Rập” lại trở thành “Mùa đông chết chóc”. Cần lưu ý: tôi chỉ điểm ra vài ý tốt, chứ không nói rằng trước mùa xuân thì tốt hoàn toàn. Nhưng cái cách thay thế này thật sự … chết chóc !

Tại sao có những điều trên:

– Điểm 1: Dân chủ không phải là một đêm ngủ dậy là có. Dân chủ là một quá trình. Ai Cập là ví dụ điển hình của việc lật đổ người này, và người kia lên nắm quyền hiện ra chỉ là tên bất tài vô dụng. Hoặc phía “Huynh đệ hồi giáo” một tổ chức bảo thủ, nguy hiểm nắm quyền. Dân chủ có được phải từ chính người dân biết mình, biết người.

– Điểm 2: Mỹ – Phương Tây và Nga, thực tế không tốt hoàn toàn ở trên đất này. Trong khi đó, bản chất của các quốc gia Hồi Giáo lại chưa hẳn là quốc gia. 

Tất cả được thể hiện qua cuộc nội chiến Syria. Ai tốt? Ai xấu? Ai đáng cảm thông? Ai trục lợi? 

— Tác giả: Dũng Phan