PHẦN 3 VÀ HẾT: CHUYỆN VỀ ĐẾ CHẾ HỒI GIÁO.

Chào các bạn. Đây là phần 3, và cũng là phần cuối cùng của câu chuyện. Hôm nay, tôi sẽ đi 1 vòng lịch sử, kể cho các bạn biết “Hồi giáo thực sự là thế nào?”

Các bạn không hề đọc nhầm.

Hồi giáo từng là mạnh nhất lịch sử. Chúng ta có lẽ đều từng là những đứa trẻ mộng mơ đứng trước phiến đá và hô “Vừng ơi mở ra”. Đã từng sống trong một thế giới lung linh và đẹp diễm lệ, đặt đôi chân bước vào thế giới ấy trong mỗi giấc mơ của cuộc phiêu lưu với thuyền trưởng Sinbad. NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM – những truyện cổ tích của nàng Sêhêrazat (Sheherazade) như “Alibaba và 40 tên cướp” “Aladdin và cây đèn thần”. Vâng, đó là đạo Hồi, lấy bối cảnh là Ba Tư, nhưng được viết ra trong thời đại hoàng kim Hồi giáo. Dùng chuyện xưa, miêu tả về thế giới Hồi giáo của thế kỷ 13.

Nghìn lẻ một đêm không chỉ là một tập truyện cổ tích, đó là cả một thế giới. “Thế giới của người A Rập trong cuộc đời thực tại cũng như trong cảnh thần tiên ma quái, thế giới của đạo Hồi từ khi có sử thành văn và đạo Hồi qua các truyền thuyết dân gian.”

Có ai nói cho ta, những bom đạn hôm nay, chính là nói về những quốc gia của Nghìn lẻ một đêm hay không? Than ôi, Jordan, Iran, Bắc Phi, Ai Cập, Iraq, Syria… đã ở đó, và đẹp trong những câu chuyện cổ của nàng Sêhêrazat. Không phải như hôm nay, không phải như bây giờ với máu chảy, đầu rơi.

1. ĐẾ CHẾ MẠNH NHẤT THẾ GIỚI

1.1 Ra đời

Hình Nhà tiên tri Muhammad (570-632)
Nhà tiên tri Muhammad (570-632)
Vinh quang ấy đến từ nhà tiên tri Mohammed (570-632), lớn lên tại thánh địa Mecca. Sinh ra khi đã mất cha, và mất mẹ năm 6 tuổi, ông sống bằng sự chở che của một phụ nữ nô lệ da đen. Hoàn cảnh tạo nên một con người yêu thương đồng loại, thương quý người nghèo và kẻ cơ khổ. Ông nổi tiếng là một người hào hiệp, bảo vệ người yếu đuối, thông minh, tài năng và cả…đẹp trai.
Ở tuổi 25, ông có một mối tình với người vợ hơn mình 15 tuổi. Theo truyền thuyết, năm Mohammed 40 tuổi, một sứ giả của thượng đế hiện ra và nói rằng ông đã được chọn để cứu giúp nhân loại. Từ đó, Mohammed bắt đầu truyền đạo Hồi trên khắp vùng Ả Rập.
“Vạn sự khởi đầu nan”, những sự ủng hộ luôn có, nhưng sự dèm pha của những kẻ bất tài cũng không ít. Một ngày vào năm 615, Mohammed cùng khoảng 101 tín đồ Hồi giáo đã rời khỏi Mecca, nơi khai sinh nhưng cũng là nơi đố kỵ, nơi bảo thủ đã vùi dập lại ông khi thấy sức ảnh hưởng của những đoạn kinh Koran. Ông và những người ủng hộ đến thành phố Medina, ngày nay thuộc Ả Rập Saudi. Tại đây, khác với nơi cũ, ông được các tín đồ đón tiếp nồng nhiệt, trở thành lãnh tụ của phần đông người dân thành phố này.

7 năm sau, khi quanh ông đã hùng mạnh, Mohammed tuyên bố thành lập nên nhà nước Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử. Không chỉ là người truyền giáo xuất chúng bậc nhất trong lịch sử, Mohammed còn là một vị đại tướng xuất sắc trên trận tiền ở những năm đầu thành lập nhà nước Hồi Giáo. Với 8 cuộc chiến tranh lớn và 38 hoạt động quân sự do ông trực tiếp chỉ huy, ngài đã bảo vệ được vương quốc non trẻ của mình trước mối đe dọa của hai đế chế mạnh nhất ở xung quanh là đế chế Byzantine (Đông La Mã) và đế chế Ba Tư (Iran), và mở rộng sức ảnh hưởng của hồi giáo đến Syria và các nước Ả Rập xung quanh.

Năm 627, ông đập tan liên minh 100.000 quân đến từ Mecca để đánh sập đế chế non trẻ. Thừa thắng xông lên, năm 630, Mohammed phát động cuộc chiến ở Mecca với 10.000 người, các cuộc vây diệt của ông nhanh chóng thu được thành quả. Thủ lĩnh Abu Sufyan của thành Mecca tuyên bố đầu hàng và xin gia nhập đạo Hồi. Vậy là sau 15 năm lưu lạc khỏi quê hương, Mohammed đã trở về quê hương Mecca trong tư thế hiên ngang của một “Trạng nguyên vinh quy bái tổ về làng”. Hành trình của một đứa trẻ mồ côi đi đến sự thống nhất ở quê hương, chẳng khác gì Gia Long Nguyễn Ánh của lịch sử Việt Nam.

Người đàn ông trẻ tuổi ngày nào, giờ đã làm nên được điều kỳ diệu khi thống nhất các bộ lạc vùng bán đảo Ả Rập dưới một tôn giáo tên là Hồi Giáo (Islam). Trên quê hương Mecca, trên danh nghĩa của thượng đế, của sứ giả cuối cùng mà thượng đế phái đến cho loài người, người đàn ông ấy nêu cao những lý tưởng đẹp đẽ nhất, đánh sập những suy đồi đạo đức, đánh sập hố ngăn giàu nghèo, bằng một lý tưởng thuần khiết do thượng đế ban tặng, phục vụ thượng đế, hướng đến những quyền về cơm ăn áo mặc, mưu cầu hạnh phúc và đặc biệt: quyền tự do cho phụ nữ. Tin nổi không? Thế kỷ thứ 7, mà người đàn ông ấy đã đưa ra những bộ luật để bảo vệ trẻ em gái, bảo vệ phụ nữ, đặt phụ nữ lên ngang hàng ở các quyền thừa kế. Để rồi 1400 năm sau, một bộ phận những kẻ đi theo giáo lý của ông, đã giải nghĩa những khái niệm nguyên sơ của Kinh Konran theo chiều hướng khác để vùi những người phụ nữ xuống bùn sâu của sự đau khổ, tủi nhục và những chiếc khăn choàng đen không thấy sự giải phóng.

Năm 632, Mohammed mất ở tuổi 62. Gia sản ngài để lại là một bán đảo Ả Rập thống nhất, là sự nhìn về một hướng của các bộ lạc Ả Rập, khi tất cả cùng nhau quy phục dưới một tôn giáo Islam. Những sơ khởi ban đầu do ông lập nên chính thức trở thành một chính thể hợp nhất. Để 100 năm sau, không chỉ mở rộng, mà còn đánh tan cả Châu Âu. Vì những công tích đã làm được mà đến hôm nay, Mohammed trở thành thần tượng, biểu trưng của sự vĩ đại của 1,6 tỷ người theo Đạo Hồi ngóng trông cho đến tận hôm nay. Nhưng, cũng trở thành sự lý giải rời khỏi nguyên sơ ban đầu, để tạo nên chia rẽ, chặt đầu, ngay trong lòng thế giới do ông tạo ra.

1.2 Chinh phục.

Abu Bakr được chọn làm người kế vị nhà tiên tri Mohammed, và phát triển con đường chinh phạt của thế giới Hồi Giáo. Trong đó, chiến dịch quan trọng nhất, là bước ngoặt để đội quân Hồi giáo trở thành thế lực mạnh nhất Trung Đông. Chính là việc chiếm thành Damascus từ đế chế Đông La Mã. Damascus, vâng, là thủ đô Syria đang chiến tranh loạn lạc hôm nay đấy. Những nỗ lực của hoàng đế La Mã Heraculius và chỉ huy đội quân phòng thủ tại Damascus là vô vọng.

Cuộc vây ráp của tướng Khalid ibn Walid đã đưa đến chiến thắng cho quân đội Hồi Giáo. Thành Damascus trở thành trung tâm văn hóa Hồi giáo. Thất bại tại Damacus đã khiến cán cân giữa đế chế cũ là Byzantine và đế chế mới là Hồi giáo thay đổi. Đạo quân Hồi giáo đánh bại La Mã, tiến về Bắc Phi theo thế như chẻ tre, chiếm Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria và Morocco (mấy đại ca của “Mùa xuân Ả Rập” hôm nay đó).

Năm 711, họ băng qua eo biển Gibraltar để tiến vào châu Âu. Vậy là 100 năm sau ngày mất của nhà tiên tri Mohammad, các đạo quân Hồi giáo đã chinh phục lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Trung Đông đến Tây Ban Nha, trước khi đến vùng Gaul, ngày nay là nước Pháp.

Thế đấy, những người mà bạn nghĩ rằng mông muội và cực đoan trên tivi đã làm nên những điều vĩ đại như thế. Lịch sử thế giới đã vận động cho đến hôm nay xung quanh cuộc chiến tranh giữa Hồi giáo và Châu Âu. Đến thế kỷ XX, XXI, Mỹ – vốn là quốc gia của tầng lớp tinh hoa nước Anh sáng lập nên, tiếp tục là ngọn cờ đầu thay thế cho Anh – Pháp. 

Quay lại thế kỷ thứ 8, phương Tây đứng trước sự tồn vong bởi vó ngựa của đoàn quân này. Vương quốc Frank (bao gồm 3 quốc gia là Đức, Italia và Pháp), là quốc gia lớn nhất Tây Âu, cũng là nhà nước Cơ đốc giáo lớn nhất, đã điều 30.000 quân với bộ binh mang giáp nặng tinh nhuệ làm nòng cốt, do Hoàng thân Charles chỉ huy, để ngăn chặn lại cuộc tấn công của 80.000 quân Hồi giáo do tướng Abdul Rahman Al Ghafiqi cầm đầu. Địa điểm được lựa chọn là Tours (tỉnh lỵ nước Pháp).

Hình Trận Tours
Trận Tours

Cuộc chiến ấy tương tự như trận đánh giữa Napoleon và công tước xứ Wellington sau này. Một bên chuyên tấn công bằng kỵ binh, và bên kia phòng ngự bằng sơ đồ hình vuông. Khác là, hoàng thân Charles với lợi thế về địa lợi (đánh trên sân nhà), nên đã cho các cánh quân đi những điểm hiểm để đập phía sau hậu phương quân Hồi Giáo. Sự giằng co kéo dài khiến bất lợi đổ dồn cho Hồi Giáo cho đến khi Abdul Rahman Al Ghafiqi buộc phải rút quân. Trận đánh tại Tours đã chặn đứng sự bành trướng của Hồi giáo ở châu Âu.

Hình Cơ đốc giáo hay Hồi giáo sẽ thống trị khắp châu Âu
Cơ đốc giáo hay Hồi giáo sẽ thống trị khắp châu Âu

Và sau này được sử gia Godefroid Kurth đánh giá là : “Đến nay, trận Tours vẫn được xem là một trong những sự kiện vĩ đại trong lịch sử thế giới, bởi nó quyết định Cơ đốc giáo hay Hồi giáo sẽ thống trị khắp châu Âu”.

Tại sao Hồi Giáo được đánh giá cao như thế? Bởi phương Tây đã được khai sáng bởi nền văn minh và khoa học mà đế chế Hồi Giáo dành tặng cho họ ở các cuộc chinh phục. “Con đường tơ lụa” (The Silk Road) đoạn đường nối từ Trung Hoa cho đến Tây Á, tuyến đường thông thương quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử, tạo ra sự giao thoa giữa văn hóa, kinh tế, tôn giáo Đông – Tây. Mà ở trong đó Trung Hoa, Ấn Độ, La Mã và những quốc gia Hồi Giáo của vùng Tây Á là trung tâm của cuộc chơi.
Lượng giác và hình học không gian mà các anh em đang điêu đứng, thì chính các nhà khoa học Hồi giáo phát triển rực rỡ. Thiên văn học mà hôm nay NASA làm ầm ầm, chính bởi những nhà khoa học Ả Rập đặt nền tảng. Y học của thế giới hồi giáo phát triển cũng rực rỡ và biết giải phẫu từ thời xưa, một bức tranh giải phẫu mắt chữ Ả Rập vẫn còn được chụp lại, trước thời Leonardo da Vinci khá xa.

Vào thập niên 1950, một nhà khoa học tên là George Sarton, ông là một trong những nhà khoa học phương Tây nổi tiếng thế giới, người đã viết nên báo cáo và tham luận 4000 trang về Lịch sử Khoa học, để biến nó trở thành một dòng riêng kết hợp giữa lịch sử và khoa học. Trong tham luận ấy, ông đã trả lại vị thế của nhà tư tưởng Ả Rập và Ba Tư. Và một đánh giá trung thực nhất:

“Nếu không có các nhà khoa học Hồi Giáo, cũng như không có những thành tựu của họ thì chắc chắn các nhà khoa học sau này đã phải bắt đầu từ con số 0 và nền văn minh của chúng ta có hôm nay, chắc chắn sẽ bị trì hoãn vài thế kỷ”.

Vinh quang tiếp theo của đế chế hồi giáo chính là Ottoman và các cuộc thập tự chinh, mà tôi đã đề cập với các bạn ở phần 1. Trước khi diệt vong xuất hiện, không chỉ đến từ sau thế chiến I, mà âm ỉ từ sau cái chết của nhà tiên tri.


Mục lục:
Phần 1: Nguồn gốc sâu xa mâu thuẫn Trung Đông
Phần 1.1: Tôn giáo – Sự ra đời của mâu thuẫn
Phần 1.2: Đế chế Ottoman
Phần 2: Mùa xuân Ả Rập và Nội chiến Syria
Phần 2.1: Mùa xuân Ả Rập
Phần 2.2: Nội chiến Syria
Phần 3: Nhà nước Hồi giáo IS
Phần 3.1: Đế chế mạnh nhất thế giới
Phần 3.2: Đế chế diệt vong và chuyện IS


— Tác giả Dũng Phan